Trung Quốc có thể phục hồi du lịch chỉ dựa vào khách nội địa?
Theo số liệu từ giới chức Trung Quốc, chỉ số kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống đã tăng nhẹ 0,6 điểm trong tháng 6, cho thấy các hoạt động du lịch đang dần được khôi phục…
Kể từ đầu tháng 6, sau khi các biện pháp hạn chế đi lại ở nhiều tỉnh, thành được dỡ bỏ, các tour du lịch nội địa tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu khôi phục. Nhiều địa điểm nổi tiếng như thành cổ Lệ Giang hay đảo núi lửa tại Bắc Hải cảnh tượng du khách tấp nập cũng đã quay trở lại. Nhiều đơn vị khách sạn và nghỉ dưỡng cho biết, tỷ lệ lấp chỗ đã đạt đến 70% trong giai đoạn này.
Theo China Daily, các địa phương cũng đang tích cực tung ra các gói hỗ trợ kích cầu du lịch. Như tại thủ đô Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã khởi động chương trình tặng phiếu giảm giá cho du khách tham quan các khu vực ngoại ô. Mỗi du khách có thể được giảm 50% giá phòng khách sạn với mức hỗ trợ tối đa 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng). Chương trình này dự kiến sẽ kéo dài tới hết tháng 9 và bao phủ hơn 1.000 khách sạn tại 10 quận trong thành phố.
Ông Zhang Jing, Sở Văn hóa - Du lịch Bắc Kinh cho hay: "Các địa điểm lớn hiện chưa mở lại đoàn khách nội địa, do đó tham quan các khu vực ngoại ô hiện là lựa chọn tốt nhất cho người dân và du khách. Chúng tôi hi vọng chương trình này sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và mở rộng dịch vụ du lịch trong khu vực". Nhiều đợt giảm giá và ưu đãi tương tự cũng đã được Vân Nam, Chiết Giang hay Hải Nam đưa ra, nhằm góp phần kéo du khách trở lại những điểm du lịch nổi tiếng thuộc các địa phương này, đặc biệt trong giai đoạn mùa du lịch hè tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, những hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt cũng khiến kế hoạch kích cầu du lịch nội địa gặp nhiều khó khăn. Mới đây nhất, thành phố Bắc Hải (tỉnh Quảng Tây) đã ghi nhận hơn 500 ca mắc Covid-19 trong tuần qua. Theo CNN, ngày 16/7, chính quyền thành phố đã phong tỏa một số khu vực đô thị, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng và địa điểm du lịch.
Ngày 17/7, đảo Vi Châu - hòn đảo cách thành phố Bắc Hải khoảng 1 tiếng di chuyển bằng thuyền cũng ghi nhận ca nhiễm. Chính quyền đã ngay lập tức đóng cửa tất cả điểm vui chơi giải trí, từ quán bar, rạp chiếu phim, tiệm massage cho đến mọi danh lam thắng cảnh. Du khách được yêu cầu rời đảo để trở về thành phố Bắc Hải cách ly và xét nghiệm, trong khi các khách sạn và nhà nghỉ phải hoàn tiền vô điều kiện.
Trước những sự việc tương tự, một bộ phận người dân Trung Quốc đang có xu hướng trì hoãn các chuyến du lịch dài ngày, vì sợ mắc Covid-19 và lo ngại bị cách ly tại các điểm đến. Trong kỳ nghỉ lễ Lao động hồi tháng 5, chỉ có 160 triệu chuyến đi nội địa, giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc. Du lịch MICE tại Trung Quốc cũng gặp nhiều trở ngại, khi hàng loạt sự kiện hàng đầu bị đình chỉ hoặc chỉ tổ chức trực tuyến, như Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Hội chợ Canton) hay Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Kinh.
Do đó, mặc dù nhiều địa điểm du lịch hy vọng sẽ có thêm du khách trong kỳ nghỉ hè nhưng các biến chủng Omicron mới với khả năng lây lan cao khiến nhiều chính quyền địa phương chịu áp lực trong việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh. Và du lịch thì chỉ là một phần trong sự ảnh hưởng kinh tế do chiến lược Zero Covid-19 gây ra. Quý II vừa qua, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 năm. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 15/7, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo từ Báo cáo Tác động Kinh tế (EIR) mới nhất của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, GDP của ngành du lịch và lữ hành Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 9,7% trong 10 năm tới, gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng 4,4% của nền kinh tế tổng thể quốc gia này, trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất. Báo cáo cho thấy đóng góp của ngành du lịch và lữ hành đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể vượt qua mức trước đại dịch vào năm tới, khi nó được dự báo để tăng gần 10% so với mức của năm 2019. Đến cuối năm 2023, đóng góp của ngành vào nền kinh tế quốc dân có thể đạt hơn 13 nghìn tỷ NDT, với mức tăng trưởng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, WTTC cảnh báo rằng điều này sẽ chỉ đạt được nếu Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cả du lịch quốc tế và nội địa. Julia Simpson, Chủ tịch & Giám đốc điều hành WTTC, cho biết: "Trong thập kỷ tới, triển vọng phát triển của ngành du lịch là vô cùng tích cực. Nhưng trong ngắn hạn, trong khi phần lớn phần còn lại của thế giới đã mở cửa cho khách du lịch, thì việc du lịch đến Trung Quốc vẫn còn hạn chế đối với nhiều du khách quốc tế. Chỉ dựa vào du lịch nội địa sẽ khó mà phục hồi được doanh thu toàn ngành”.
Du lịch nội địa đã cung cấp và sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, nhưng hiện tại, chi tiêu cho du lịch quốc tế rất thấp trong khi nó rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung của Trung Quốc. Vào năm 2019, khi du lịch ở đỉnh cao, chi tiêu của du khách quốc tế ở Trung Quốc đạt gần 951 tỷ NDT (14% tổng chi tiêu nội bộ). Tuy nhiên, vào năm ngoái, do Trung Quốc đóng cửa biên giới nên tổng chi tiêu chưa đến 91 tỷ NDT (3%), bỏ lỡ gần 862 tỷ NDT mỗi năm.