Trung Quốc công bố sách trắng chiến tranh thương mại, đổ hết lỗi cho Mỹ
Trung Quốc vừa công bố một sách trắng về chiến tranh thương mại, nói rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự đổ vỡ đàm phán
Chính phủ Trung Quốc ngày 2/6 tuyên bố Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự đổ vỡ của đàm phán thương mại song phương, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào trong tương lai cũng phải dựa trên sự chân thành, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tìm giải pháp cho xung đột, nhưng chiến lược gây sức ép tối đa và những hành động leo thang căng thẳng của Washington sẽ không thể khiến Bắc Kinh lùi bước - hãng tin Bloomberg dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen. Ông Wang là người dẫn đầu đàm phán thương mại ở cấp công tác với Mỹ.
Nhà đàm phán Trung Quốc này nói rằng chỉ cần nhường Mỹ một li, là Mỹ lấn tới cả tấc.
Những tuyên bố trên được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung lâm bế tắc và hai bên cùng có những hành động và phát ngôn đẩy căng thẳng gia tăng. Sau đợt áp thuế quan mới nhất lên hàng hóa của nhau, hai đã bên đe dọa trừng phạt doanh nghiệp của nhau, và liên tục phát tín hiệu không khuất phục trước những yêu cầu của đối phương.
Ông Wang phủ nhận cáo buộc của Mỹ nói rằng Trung Quốc rút lại những lời hứa đã đưa ra trước đó trên bàn đàm phán. Ông nói chính Mỹ mới là bên liên tục thay đổi quan điểm trong đàm phán kể từ năm 2018.
"Chẳng có gì được nhất trí cho tới khi tất cả được nhất trí", ông Wang phát biểu tại Bắc Kinh khi Trung Quốc công bố một sách trắng về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Sách trắng này nói rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không ngại chiến tranh thương mại, đồng thời khẳng định quyền của Trung Quốc về phát triển và chủ quyền quốc gia.
Ông Wang nói, trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, hai bên đều phải có sự nhượng bộ, rằng lập trường của hai bên cần phải bình đẳng, và kết quả đàm phán phải là đôi bên cùng có lợi.
Theo nội dung của sách trắng, điều kiện tiên quyết để Mỹ-Trung đi đến một thỏa thuận thương mại là Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan bổ sung áp lên hàng hóa Trung Quốc, lượng hàng hóa Trung Quốc phải mua thêm của Mỹ phải phù hợp với nhu cầu thực tế, và cần có sự cân bằng phù hợp trong văn bản của thỏa thuận.
Đây cũng chính là ba điều kiện mà Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc, đưa ra sau vòng đàm phán gần đây nhất ở Washington hôm 10/5.
Mới đây, Trung Quốc cảnh báo sẽ công bố một danh sách các thực thể nước ngoài "không đáng tin cậy", gồm các công ty, cá nhân và tổ chức nước ngoài gây thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Wang đã trấn an mối lo rằng một danh sách như vậy sẽ được sử dụng như công cụ trả đũa Mỹ trong chiến tranh thương mại.
Vị Thứ trưởng nói những đồn đoán như vậy về bản danh sách dự kiến là "sự diễn giải thái quá", đồng thời khẳng định Trung Quốc hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phù hợp với luật pháp nước này.
Về việc Mỹ mở một cuộc điều tra nhằm vào hãng vận chuyển Mỹ FedEx, ông Wang nói "không có cơ sở để phê phán Trung Quốc". Cuộc điều tra này được Trung Quốc khởi động sau khi FedEx bị cáo buộc chuyển hướng về Mỹ một số bưu kiện mà hãng công nghệ Trung Quốc Huawei gửi tới châu Á.
Sách trắng của Trung Quốc nói chiến tranh thương mại không hề "làm cho nước Mỹ tuyệt vời trở lại" - một khẩu hiệu của Tổng thống Donald Trump. Sách trắng nói thực ra, chiến tranh thương mại gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ thông qua tăng chi phí sản xuất, đẩy giá cả tăng lên, gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế và đời sống dân sinh, đồng thời tạo ra hàng rào đối với hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Có thể thấy trước rằng đợt áp thuế quan mới nhất của Mỹ đối với Trung Quốc không những không giải quyết vấn đề, mà còn làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn đối với tất cả các bên", sách trắng viết.
Trong sách trắng này, Trung Quốc cũng liệt kê chi tiết những vấn đề mà nước này cho là Mỹ thay đổi lập trường trong quá trình đàm phán. Bắc Kinh nói trong vòng đàm phán gần đây nhất, Mỹ đã sử dụng "sự hăm dọa và cưỡng ép", "khăng khăng với những đòi hỏi quá đáng, đòi giữ nguyên thuế quan bổ sung áp từ khi bắt đầu nổ ra xung đột, và một mực muốn đưa vào thỏa thuận những yêu cầu bắt buộc liên quan đến vấn đề chủ quyền của Trung Quốc".
"Chính phủ Trung Quốc bác bỏ ý tưởng rằng những lời đe dọa chiến tranh thương mại và liên tục tăng thuế quan có thể giải quyết các vấn đề thương mại và kinh tế", sách trắng viết. "Với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, hai bên cần thúc đẩy tham vấn dựa trên thiện chí và tin tưởng nhằm giải quyết vấn đề, thu hẹp khác biệt, mở rộng những lợi ích chung, và cùng nhau bảo đảm sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu".