Trung Quốc đã xuất khẩu gần 1 tỷ liều vaccine Covid-19, hiệu quả thực tế tại các nước ra sao?
Hiệu quả của các loại vaccine Trung Quốc, đặc biệt là trước các biến thể Covid-19 mới, ban đầu còn chưa rõ ràng nhưng đang bắt đầu được hé lộ cụ thể sau khi được tiêm rộng rãi tại nhiều nước - nơi biến thể Delta và Gamma đang lây lan mạnh...
Theo tờ SCMP, đến nay Trung Quốc đã xuất khẩu gần một tỷ liều vaccine Covid-19 sang hơn 60 quốc gia, nằm trong cam kết cung cấp 2 tỷ liều trong năm nay.
Dựa trên kết quả thực tiễn, các nhà nghiên cứu kết luận rằng các loại vaccine Covid-19 của Trung Quốc kém hiệu quả hơn so với những loại vaccine Covid-19 nhưng vẫn giúp người tiêm tránh bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Theo đó, chuyên gia chỉ ra rằng các loại vaccine Covid-19 Trung Quốc - đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng cho trường hợp khẩn cấp - vẫn quý giá đối với các quốc gia đang thực sự cần.
LOẠT NGHIÊN CỨU HÉ LỘ HIỆU QUẢ CỦA VACCINE TRUNG QUỐC
Một nghiên cứu tại Bahrain được công bố vào tháng trước đã tiến hành so sánh hiệu quả của 4 loại vaccine Covid-19- gồm vaccine do các công ty Sinopharm, AstraZeneca, Pfizer-BioNTech sản xuất và vaccine Sputnik V - trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 tới tháng 7/2021.
Nghiên cứu cho thấy vaccine của Sinopharm, dù có hiệu quả trong việc ngăn chặn nguy cơ nhập viện và tử vong, kém hiệu quả hơn so với các vaccine khác, đặc biệt là ở người trên 50 tuổi.
Trong nhóm người trên 50 tuổi nhiễm Covid-19, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân đã tiêm vaccine Sinopharm là 1,53%, cao hơn so với tỷ lệ 0,79% của vaccine Sputnik V, 0,69% của vaccine Pfizer-BioNTech và 0% của vaccine AstraZeneca. Tỷ lệ cần tới chăm sóc đặt biệt ở nhóm bệnh nhân tiêm vaccine của Sinopharm là 1,7%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở vaccine Pfizer-BioNTech và AstraZeneca lần lượt là 0,23% và 0,17%. Tỷ lệ của vaccine Sputnik V là 0%.
Tại Brazil, nơi biến thể Gamma đang chiếm chủ đạo, một nghiên cứu với 76 triệu người đã tiêm vaccine được công bố vào tháng trước cho thấy vaccine AstraZeneca mang lại hiệu quả bảo vệ khoảng 90% trong việc giúp ngăn chặn tình trạng phải nhập viện, bệnh nặng phải chăm sóc đặt biệt hoặc tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ này của vaccine Sinovac - một nhà sản xuất vaccine khác của Trung Quốc - là khoảng 75%.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng, sự khác biệt trong hiệu quả của các loại vaccine có thể là do công nghệ khác nhau.
Các loại vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt như Sinopharm và Sinovac sử dụng virus SARS-CoV-2 đã bị bất hoạt để kích hoạt hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, các loại vaccine sử dụng công nghệ véc-tơ virus như AstraZeneca sử dụng một virus vô hại đã được điều chỉnh mang vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 để kích thích phản ứng miễn dịch.
Một nghiên cứu khác tại Chile công bố hồi đầu tháng này trên Tạp chí Y học New England cho thấy vaccine của Sinovac có hiệu quả bảo vệ lây nhiễm 65,9%, hiệu quả bảo vệ khỏi tình huống phải nhập viện là 87,5%, khỏi tình huống phải chăm sóc y tế đặc biệt là 90,3% và bảo vệ khỏi tử vong là 86,3%. Cũng từ Chile, chính phủ nước này hồi tháng trước công bố một báo cáo cho thấy vaccine của Sinovac cho hiệu quả ngăn ngừa bệnh có triệu chứng là 58,5%, trong khi tỷ lệ này của vaccine Pfizer-BioNTech và AstraZeneca lần lượt là 87,7% và 68,7%.
SỰ SO SÁNH THIẾU CÔNG BẰNG?
Tuy nhiên, theo ông Zheng Zhongwei - một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, dẫn đầu hoạt động phát triển vaccine của nước này, những so sánh như vậy là không công bằng với vaccine sử dụng công nghệ bất hoạt.
“Khả năng miễn dịch của tất cả vaccine Covid-19 thường suy giảm sau 3 tháng và ở một số quốc gia, vaccine bất hoạt đã được tiêm từ 2-3 tháng trước hoặc sớm hơn, trước khi các loại vaccine khác xuất hiện”, ông Zheng lập luận. “Tôi không muốn nói loại vaccine nào có khả năng bảo vệ tốt hơn, nhưng tôi hy vọng điều này được nhìn nhận dưới góc độ khoa học”.
Trước đó, WHO cũng nhấn mạnh rằng, không thể so sánh các loại vaccine trực tiếp với nhau, vì mỗi nghiên cứu có các phương pháp tiếp cận khác nhau. Theo tổ chức này, tất cả các loại vaccine đã được WHO phê duyệt dùng trong trường hợp khẩn cấp đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh Covid-19 nghiêm trọng.
Trong bài xã luận đi liền với nghiên cứu của Chile về vaccine Sinovac, Tiến sĩ Annelies Wilder-Smith - cố vấn của WHO, và Tiến sĩ Kim Mulholland - thành viên Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược tiêm chủng của WHO, lưu ý rằng hiệu quả của vaccine này vẫn ở mức “đáng kể”. Hai tiến sĩ cho biết sự so sánh trên xuất phát một phần từ việc vaccine này kém hiệu quả trong việc ngăn chặn triệu chứng bệnh nhẹ hoặc trung bình và hiệu quả giảm dần theo thời gian.
Hai tiến sĩ này kêu gọi nhanh chóng thực hiện các nghiên cứu kết hợp về vaccine Sinovac và những vaccine bất hoạt khác, đồng thời nhấn mạnh rằng hiệu quả của vaccine giảm dần cho thấy cần phải tiêm các mũi tăng cường.
Tại Trung Quốc, chính phủ cho biết sẽ tiêm mũi thứ 3 của vaccine bất hoạt cho người lớn tuổi và người có nguy cơ lây nhiễm cao. Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain, Indonesia và Brazil, các loại vaccine sử dụng công nghệ véc-tơ virus (như AstraZeneca) và vaccine dùng công nghệ mRNA (như của Pfizer, Moderna) được ưu tiên tiêm cho người lớn tuổi và nhân viên y tế.
KHÔNG PHẢI LÝ TƯỞNG NHƯNG CÓ CÒN HƠN KHÔNG
Trước những hoài nghi về hiệu quả của vaccine Trung Quốc, một số quốc gia đã từ chối vaccine này khi được cung cấp thông qua cơ chế COVAX – sáng kiến toàn cầu giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vaccine.
Thông qua COVAX, Sinovac và Sinopharm cam kết cung cấp tổng cộng 110 triệu liều vaccine từ tháng 7-9/2021, và có thể thêm 440 triệu liều tới tháng 6/2022. Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine trong 2021 và đến nay đã cung cấp 990 triệu liều.
Nam Phi, một trong những quốc gia COVAX phân bổ nhiều vaccine Trung Quốc nhất tại châu Phi với 2,5 triệu liều, đã không chấp nhận vaccine này. Lý do được đưa ra là không có đầy đủ thông tin về hiệu quả của vaccine này trước biến thể Delta và hiệu quả với nhóm dân số bị nhiễm HIV.
Nigeria, nước nhận nhiều vaccine Trung Quốc nhất tại châu Phi thông qua COVAX với gần 8 triệu liều Sinopharm doses, đã cấp phép vaccine này nhưng gọi đây là “một tùy chọn tiềm năng” để tiêm cho người dân.
Còn ở Thái Lan - nơi người dân dược tiêm mũi 1 bằng vaccine của Sinovac và mũi 2 bằng vaccine AstraZeneca, đại sứ quán Trung Quốc đầu tháng này đã kêu gọi chống lại việc “đánh giá thấp và bôi nhọ vaccine Trung Quốc”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định rằng các loại vaccine bất hoạt đã được WHO phê duyệt vẫn có hiệu quả bảo vệ người dân trước tác động của virus và khuyến nghị các quốc gia đang cần vaccine nên tiêm.
Theo Hsu Li Yang - Phó giáo sư, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, tất cả các loại vaccine được WHO phê duyệt đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, và với vaccine bất hoạt thì hiệu quả này không thua kém đáng kể.
“Hiệu quả dài hạn của tất cả các loại vaccine đều không chắc chắn”, ông Hsu cho biết. “Ở giai đoạn này, các quốc gia nên triển khai tiêm những vaccine mình có thay vì đợi vaccine công nghệ mRNA hay véc-tơ virus”.
Đồng quan điểm, nhà virus học Jin Dongyan của Đại học Hồng Koong, cho rằng các nước thu nhập thấp đang cần vaccine không nên từ chối vaccine bất hoạt.
“Thật tuyệt nếu họ được cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech, nhưng vaccine Sinovac và Sinopharm vẫn hữu ích”, ông Dongyan nói. “Với những quốc gia không có điều kiện tiếp cận các loại vaccine khác, cách tốt vẫn là tiêm vaccine Sinopharm hoặc Sinovac. Dù không phải lý tưởng nhưng còn hơn là không được tiêm vaccine”.