Trung Quốc muốn dùng cảnh báo để hạ sốt nguyên vật liệu
Chính phủ Trung Quốc triệu tập lãnh đạo các doanh nghiệp kim loại để cảnh báo xử lý nghiêm các hành vi đẩy giá nguyên vật liệu thô...
Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chiến chống lại sự leo thang của giá nguyên vật liệu thô, bằng cách triệu tập lãnh đạo một loạt doanh nghiệp để cảnh báo xử lý nghiêm khắc những vi phạm từ đầu cơ hàng hoá cho tới loan tin giả.
TRUNG QUỐC RA TAY KIỀM CHẾ CƠN SỐT NGUYÊN LIỆU THÔ
"Chính phủ Trung Quốc sẽ không bỏ qua cho hành vi độc quyền và găm hàng đẩy giá", Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia (NDRC) cho biết sau cuộc họp giữa lãnh đạo doanh nghiệp với các cơ quan hữu quan diễn ra ở Bắc Kinh vào hôm Chủ nhật (23/5). Thông tin về cuộc họp đã có ảnh hưởng mạnh đến thị trường, khiến giá thép ở Trung Quốc có lúc giảm tới 6% và giá quặng sắt giảm gần kịch sàn biên độ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Việc Trung Quốc tìm cách kiềm chế cơn sốt nguyên vật liệu thô “có thể không phải là tin tốt đối với cộng đồng đầu cơ, nhưng lại là tin tốt đối với thế giới nói chung” - bà Amelia Xiao Fu, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu của BOCI Global Commodities Ltd.
Lời cảnh báo của NDRC được đưa ra trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thô toàn cầu tăng mạnh, đặt ra nguy cơ lạm phát leo thang, gây sức ép lệ tăng trưởng kinh tế không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác. Giới đầu tư toàn cầu gần đây đổ xô mua các kim loại công nghiệp vì tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch. Giá đầu vào tăng mạnh khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng thành phẩm, dẫn tới khả năng gây suy giảm nhu cầu, cản trở đà phục hồi kinh tế.
Việc Trung Quốc tìm cách kiềm chế cơn sốt nguyên vật liệu thô “có thể không phải là tin tốt đối với cộng đồng đầu cơ, nhưng lại là tin tốt đối với thế giới nói chung”, bà Amelia Xiao Fu, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu của BOCI Global Commodities Ltd. nhận xét. “Tôi cho rằng giá cả sẽ ổn định hơn, và dư địa cho sự leo thang thái quá sẽ được hạn chế”.
Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều cảnh báo về đợt leo thang của giá nguyên vật liệu thô lên mức cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ. Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi quy định giao dịch tại các sàn giao dịch hàng hoá tương lai, Bắc Kinh hầu như chưa có hành động nào khác. Citigroup cho rằng Trung Quốc có thể đang đối mặt với “khả năng cạn kiệt lựa chọn chính sách” để ngăn đà tăng giá nguyên vật liệu thô.
Vấn đề nằm ở chỗ nhu cầu nguyên vật liệu thô không chỉ tăng ở Trung Quốc mà còn tăng ở hầu khắp các khu vực khác của thế giới khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau cú sốc mà Covid-19 gây ra, mà điều này rõ ràng nằm ngoài khả năng kiểm soát của Trung Quốc. Ngoài ra, chính nỗ lực giảm khí thải nhà kính của Trung Quốc cũng là nguyên nhân đẩy giá nhiều nguyên vật liệu thô tăng mạnh.
ĐẦU CƠ THÁI QUÁ LÀ MỘT NGUYÊN NHÂN KHIẾN GIÁ CẢ LEO THANG
Cho tới hiện tại, tuyên bố của NDRC là lời cảnh báo cứng rắn nhất từ Chính phủ Trung Quốc, dù các cảnh báo về sự tăng giá hàng hoá cơ bản đã bắt đầu được Bắc Kinh đưa ra từ tháng 4. Tại cuộc họp vừa rồi, lãnh đạo các công ty quặng sắt, thép, đồng, và nhôm bị cơ quan chức năng cảnh báo rằng đầu cơ thái quá là một nguyên nhân khiến giá cả leo thang, bên cạnh yếu tố giá quốc tế tăng.
Tuyên bố của NDRC nói rằng các doanh nghiệp nên “chủ động hoàn thành các nghĩa vụ xã hội” và đi đầu trong việc duy trì trật tự thị trường. “Không được thông đồng để thao túng giá cả, không được theo dệt và gieo rắc thông tin về giá cả, và không được găm hàng, đẩy giá lên”, tuyên bố có đoạn.
Kiểm soát sản lượng thép và hạ nhiệt giá thép đang là hai bài toán mâu thuẫn mà Trung Quốc cùng phải xử lý cùng lúc.
Những tuần gần đây, cơ quan chức năng Trung Quốc dành sự chú ý đặc biệt cho diễn biến giá nguyên vật liệu thô. Giá hàng hoá xuất xưởng ở nước này trong tháng 4 tăng mạnh nhất trong hơn 3 năm.
Sự phục hồi hình chữ V của kinh tế Trung Quốc trong năm ngoái là một nguyên nhân khiến giá nguyên vật liệu thô toàn cầu tăng mạnh. Hiện tại, các biện pháp kích cầu của Bắc Kinh dành cho những ngành sử dụng nhiều kim loại bắt đầu có dấu hiệu giảm. Nhưng giờ lại là lúc Bắc Kinh phải lo ngại về áp lực lạm phát từ bên ngoài.
Kiểm soát sản lượng thép và hạ nhiệt giá thép đang là hai bài toán mâu thuẫn mà Trung Quốc cùng phải xử lý cùng lúc. Để giảm ô nhiễm, Trung Quốc đã đặt mục tiêu hạn chế sản xuất thép, yêu cầu ngành thép phải giảm sản lượng trong năm nay. Nhưng chính nỗ lực hạn chế sản lượng thép cộng với nhu cầu tăng mạnh đã đẩy giá thép ở Trung Quốc và trên toàn cầu tăng cao. Giá tăng lại khiến sản lượng thép ở Trung Quốc bùng nổ, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4 vừa qua. Như vậy, cả hai mục tiêu của Trung Quốc đều không thành công.
“Mỗi tuần, Chính phủ Trung Quốc lại ra một tuyên bố để xoa dịu vết thương mà họ tự gây ra trong việc cải tổ ngành thép. Việc cải tổ đã đẩy giá thép và tỷ suất lợi nhuận của ngành thép tăng, khiến các lò luyện thép càng hoạt động mạnh hơn" - ông Attila Widnell, Giám đốc Navigate Commodities, nhấn mạnh.