Trước “sóng” tẩy chay, Bách Hóa Xanh tiếp tục khẳng định “không tăng giá để kiếm lời”
Lãnh đạo Bách Hóa Xanh khẳng định không có chủ trương tăng giá bán để gia tăng hiệu quả lợi nhuận, đồng thời đang nỗ lực tìm mọi cách để tăng sản lượng và kiểm soát giá bán trong bối cảnh giá mua vào và chi phí toàn chuỗi cung ứng tăng cao...
Sau một tuần bị dư luận phản ứng, thậm chí trên các diễn đàn, mạng xã hội đang diễn ra “làn sóng” đòi tẩy chay Bách Hóa Xanh vì “tăng giá bất hợp lý để kiếm lời”, tối 19/7, trong thông tin gửi tới cổ đông và báo chí, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hoá Xanh (“Bách Hoá Xanh”), thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MCK: MWG) cho hay, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp này nhận được thông tin phản hồi của dư luận xoay quanh hai vấn đề: Bách Hóa Xanh không giữ được giá bán như trước đợt dịch và chất lượng phục vụ chưa đảm bảo tại một số cửa hàng.
Ban lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho rằng rất “đồng cảm” với các bức xúc của dư luận xã hội về việc giá bán một số mặt hàng tăng và chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (chưa cập nhật giá niêm yết kịp thời, tính tiền nhầm, cân sai, thái độ phục vụ chưa tốt…) tại một số cửa hàng.
Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá).
Hiện công ty đang rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm kiếm giải pháp xử lý. Để kiểm soát giá bán, phía công ty cho biết sẽ tăng thêm mã sản phẩm trong danh mục hàng hóa thiết yếu cam kết giữ giá bán cố định đăng ký với Sở Công Thương Tp.HCM. Bán hàng có giới hạn số lượng để bảo đảm nhiều người mua được hàng và tránh tình trạng “đầu cơ – thu gom sỉ".
Ngoài ra sẽ làm làm việc với nhà cung cấp để giữ giá mua vào không tăng lên bất hợp lý. Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục tăng sản lượng mua và giữ giá bán không tăng để phục vụ người tiêu dùng đủ sản lượng dồi dào.
Đối với trường hợp sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, Bách Hoá Xanh sẽ chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới để giảm áp lực cung ứng. Ví dụ mua hàng rau củ từ khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cung cấp thêm cho Tp.HCM nhằm tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng cho người tiêu dùng.
“Trong trường hợp mọi giải pháp kiểm soát giá mua vào không mang lại kết quả, Bách Hóa Xanh sẽ chủ động giảm sản lượng hoặc tạm ngưng kinh doanh ngắn hạn các mặt hàng này cho đến khi giá mua vào quay về mức hợp lý (không mua bằng mọi giá). Trong những trường hợp khó khăn này, công ty sẽ thông tin rõ ràng lý do đứt hàng vì giá mua vào tăng cao đến khách hàng”, thông tin của Bách Hóa Xanh cho hay.
Cũng theo doanh nghiệp này, ngoài các thay đổi về công tác cung ứng mua hàng nêu trên, công ty thiết lập nhiều trung tâm phân phối hàng tươi sống cơ động trước các cửa hàng Bách Hóa Xanh lớn và dùng xe máy trung chuyển đến các cửa hàng Bách Hóa Xanh khác để đáp ứng nhu cầu tăng tải; mở 35 điểm bán xuyên đêm phục vụ 24/24; chuẩn bị đưa nhu yếu phẩm về bán tại tất cả các cửa hàng của chuỗi nhà thuốc An Khang; điều động hơn 3,000 nhân sự từ chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh qua làm việc tại cửa hàng Bách Hóa Xanh…
Trước đó, ngày 13/7, hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh đã bất ngờ ra thông báo tăng giá bán đối với một số mặt hàng do phải bù đắp cho chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nhân công... tăng cao. Điều này khiến không ít người tiêu dùng tại khu vực miền Nam và dư luận xã hội phản ứng gay gắt, cho rằng Bách Hóa Xanh tăng giá nhiều mặt hàng để kiếm lời mùa dịch. Thậm chí trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến gay gắt kêu gọi tẩy chay mua hàng tại hệ thống lớn với 1.905 điểm bán này.
Sau vài ngày “hứng chịu” sự phản ứng của dư luận, hệ thống Bách Hóa Xanh đã phát đi thông tin khẳng định “không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh”.
Đến ngày 16/7, Cục Quản lý Thị trường Tp.HCM đã thực tế kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh, sau khi dư luận phản ánh việc hệ thống này tăng giá bán hàng hóa trong thời gian Tp.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Làm việc với cơ quan quản lý, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh thừa nhận việc hệ thống Bách Hóa Xanh đã tăng giá bán một số mặt hàng nhưng “không phải vì mục đích lợi nhuận”.
Phía doanh nghiệp cho biết, chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại Tp.HCM đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định. Do vậy, chuyện tăng giá bán là do những tác động khách quan như hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng hàng hóa tươi sống do kéo dài thời gian lưu thông...
Tại buổi kiểm tra, Cục Quản lý Thị trường Tp.HCM cũng xác định Bách Hóa Xanh không tăng giá đột biến mà chỉ tăng theo điều kiện khách quan. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã nhắc nhở, đề nghị hệ thống này không được nâng giá hàng hóa một cách bất hợp lý dù có khó khăn, tăng chi phí trong việc nhập hàng hóa từ các địa phương khác về Tp.HCM.
Sóc Trăng lập biên bản một cửa hàng Bách hoá Xanh bán cao hơn giá niêm yết
Lực lượng chức năng lập biên bản hành chính với đại diện cửa hàng.
Sáng 17/7, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.
Theo đó, sản phẩm cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính vụ việc, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.