Từ 1/6/2025: Siết chặt hóa đơn điện tử, bổ sung các trường hợp bị ngừng sử dụng
Các doanh nghiệp có hành vi trốn thuế hoặc nằm trong nhóm rủi ro cao có thể bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử…

Vào ngày 20/3/2025, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 liên quan đến quy định về hóa đơn và chứng từ. Nghị định mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2025.
Như vậy kể từ thời điểm hiện tại đến lúc nghị định có hiệu lực là còn khoảng 7 tuần để doanh nghiệp chuẩn bị.
Cụ thể, từ ngày 1/6/2025, các doanh nghiệp có hành vi trốn thuế hoặc nằm trong nhóm rủi ro cao có thể bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử. Đây là một phần trong nỗ lực siết chặt quản lý thuế, chống thất thu ngân sách và ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn đang có dấu hiệu gia tăng.
BỔ SUNG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP PHẢI NGỪNG SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ
Việc áp dụng hóa đơn điện tử được xem là một bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số ngành tài chính – thuế, giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính minh bạch và hạn chế gian lận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp lợi dụng hệ thống hóa đơn điện tử để thực hiện hành vi bán khống, trốn thuế.
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và chống thất thu ngân sách, ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành
Theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, ngoài 07 trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử đã được quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định bổ sung một số trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.
Thứ nhất, người nộp thuế có thể chủ động tạm ngừng sử dụng hóa đơn điện tử bằng cách gửi văn bản đề nghị đến cơ quan thuế. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh khi chuyển đổi từ phương pháp kê khai sang phương pháp khoán, hoặc chuyển sang hình thức nộp thuế theo từng lần phát sinh theo thông báo của cơ quan thuế, cũng sẽ bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.
Thứ hai, các tổ chức, cá nhân có hành vi lập hóa đơn điện tử nhằm mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ và đã bị cơ quan chức năng khởi tố, hoặc khi có văn bản đề nghị từ cơ quan công an, viện kiểm sát hay tòa án, thì cơ quan thuế sẽ thực hiện ngừng cho phép sử dụng hóa đơn điện tử.
Thứ ba, trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện và có thông báo cho cơ quan thuế về việc người nộp thuế vi phạm pháp luật liên quan đến thuế và hóa đơn, thì cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử đối với đối tượng vi phạm.
Thứ tư, nếu doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền nhưng lại có sự thay đổi ngành nghề kinh doanh dẫn đến việc không còn đáp ứng điều kiện áp dụng hình thức hóa đơn này, thì cơ quan thuế sẽ ra thông báo ngừng cho phép tiếp tục sử dụng loại hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Thứ năm, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có hành vi trốn thuế, hoặc là doanh nghiệp được thành lập với mục đích thực hiện các giao dịch mua bán hóa đơn không hợp pháp, sử dụng hóa đơn điện tử một cách trái quy định để trốn thuế, thì cơ quan thuế sẽ ra thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử và tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ sáu, người nộp thuế có hành vi trốn thuế hoặc được xếp vào nhóm đối tượng có mức độ rủi ro rất cao theo tiêu chí đánh giá của cơ quan thuế cũng sẽ bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử nhằm phòng ngừa rủi ro và thất thu ngân sách.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ ĐỂ CHỐNG THẤT THU THUẾ
Việc mở rộng danh mục các trường hợp bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử được kỳ vọng sẽ tăng cường tính minh bạch và công bằng trong hoạt động thuế. Hóa đơn điện tử không chỉ là phương tiện kê khai thuận tiện mà còn là công cụ giám sát hiệu quả. Đặc biệt, nhờ tích hợp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, cơ quan thuế có thể theo dõi dòng hóa đơn, phát hiện kịp thời những hành vi bất thường hoặc gian lận.

Tại hội nghị chuyên đề về tăng cường quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh, đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cũng như phòng chống gian lận, trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, thống kê cho thấy khu vực hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh chỉ đóng góp khoảng 1,5 - 2% vào tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý.
Tỷ lệ đóng góp này chưa phản ánh đúng tiềm năng cũng như tốc độ phát triển thực tế của khu vực hộ kinh doanh, đặc biệt là các mô hình kinh doanh trực tuyến. Ứng dụng hóa đơn điện tử và công nghệ số là một trong những giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thu thuế và tạo điều kiện cho khu vực kinh doanh cá thể phát triển ổn định, bền vững.
Tính đến ngày 30/6/2022, các tổ chức, doanh nghiệp và chi nhánh trên cả nước đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ hóa đơn giấy.
Trong năm 2024, có hơn 92 nghìn cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tăng gấp 2,3 lần số cuối năm 2023. Với quy định mới, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát hệ thống hóa đơn đang sử dụng, cập nhật phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử để đồng bộ với hệ thống của Tổng cục Thuế.