Từ khoá "T-shirt", "jean" được tìm kiếm nhiều trên Amazon và mang lại doanh thu hàng chục triệu USD
Có website trên 21 quốc gia, với hơn 300 triệu khách hàng, trong đó có 200 triệu là những tín đồ của Amazon… sản phẩm dệt may Việt Nam trên Amazon sẽ được 300 triệu khách hàng toàn cầu biết đến...
Tại webinar "Cơ hội Xuất khẩu và Xây dựng Thương hiệu Dệt May Việt Nam với Amazon", đại diện Công ty Onbrand - Nhà cung cấp dịch vụ chính thức của Amazon Global Selling nhận định, sản phẩm dệt may Việt Nam có tiềm năng tiêu thụ rất lớn trên Amazon. Đây cũng chính là cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam vươn rộng ra thị trường toàn cầu hơn.
TỪ KHOÁ TÌM KIẾM SẢN PHẨM DỆT MAY LUÔN CAO
Phân tích nhận định này, Onbrand cho rằng, những từ khoá tìm kiếm sản phẩm dệt may trên sàn thương mại chiếm số lượng cao. Đơn cử như với từ khoá “shirt” trên Amazon, trong 1 tháng có hơn 36 nghìn lượt tìm kiếm, tổng doanh thu với từ khoá này đạt hơn 15 triệu USD. Đặc biệt, doanh thu sản phẩm này có xu hướng tăng 29% so với 3 tháng cùng kỳ năm 2020.
Cũng với từ khoá “T-shirt”, có tốp 3 sản phẩm nổi bật theo từ khoá. Trong đó có sản phẩm đạt doanh thu đạt 1 triệu USD trong 1 tháng qua, với 63 ngàn sản phẩm được bán ra và hơn 8.000 lượt đánh giá (review).
Hay với sản phẩm quần “jean”, có 152 ngàn lượt tìm kiếm, doanh thu 1 tháng trên Amazon của thương hiệu này đạt trên 36 triệu USD, tăng 86% so với 3 tháng cùng năm ngoái. Riêng hãng jean “revival”, doanh thu trong tháng đạt hơn 1 triệu đô la Mỹ, với trên 46 ngàn sản phẩm bán trong 30 ngày.
Sản phẩm “jacket” cũng thu hút 56 ngàn lượt tìm kiếm trong tháng, doanh thu hơn 7 triệu USD.
"Với những mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử, những lượt review của khách hàng rất quan trọng. Qua đó chúng ta đánh giá được sản phẩm của mình có được khách hàng chào đón hay không".
Ông Phạm Năng Duy, CEO Công ty Onbrand
Sự thành công của những nhãn hàng lớn trên Amazon đã rõ ràng nhưng không vì thế chúng ta bi quan. Vì sự phân mảnh của thị trường vẫn còn rất nhiều, là cơ hội dành cho các thương hiệu dệt may của chúng ta.
Song, theo ông Năng, khi mua hàng trên Amazon, khách hàng sẽ ưu tiên những sản phẩm có “câu chuyện” hơn như thiết kế, hình ảnh, phương châm của doanh nghiệp.
“Do đó, nếu doanh nghiệp quyết định đầu tư vào thị trường Amazon, cần có chiến lược nhãn hàng đúng đắn, sai số, màu sắc, mùa vụ với thị trường đó. Nếu xem việc xuất khẩu hàng sang Mỹ là chiến lược đầu tư lâu dài thì Amazon là con đường ngắn nhất đến với thị trường Mỹ”, ông Năng nhấn mạnh.
5 YẾU TỐ ĐỂ BÁN HÀNG DỆT MAY THÀNH CÔNG TRÊN AMAZON
CEO Onbrand chỉ ra 5 yếu tố cần chú ý để thành công khi bán hàng dệt may trên Amazon tại thị trường Mỹ.
Thứ nhất, đó là cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, sản phẩm của mình có phù hợp với nhu cầu thị trường hay không. Để làm được việc này, cần nghiên cứu thị trường thật kỹ. Trước khi chọn sản phẩm, cần tập trung nghiên cứu thị trường.
Thứ hai, sau khi nghiên cứu thị trường, xem sản phẩm của doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong thị trường đó, phân khúc đó hay không. 3 điểm chính cần quan tâm lúc này là giá cả, chất lượng và mẫu mã.
Theo kinh nghiệm ông Năng cho rằng, doanh nghiệp cần xem dung lượng thị trường nhắm tới là gì. Muốn có dung lượng thị trường lớn thì đi vào phân khúc trung bình. Còn nếu tiềm lực chưa đủ để đi vào phân khúc lớn thì có thể tham gia ở ngách nào đó. Khi đó dễ dàng để doanh nghiệp bắt đầu hơn.
Thứ ba, là chuỗi cung ứng cần tối ưu. Phụ thuộc vào việc sản xuất có bền vững hay không. Nguyên vật liệu có lợi thế cạnh tranh không. Logistics, vận chuyển, kho bãi có cạnh tranh không. Điều này đặc biệt quan trọng khi mang hàng qua Mỹ bán.
Thứ tư, kế hoạch tài chính. Khi thâm nhập vào một thị trường mới cần có kế hoạch tài chính phù hợp theo từng giai đoạn. Đồng nghĩa với việc phải có phương án kiểm soát rủi ro khi bán hàng và kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp.
Thứ năm, khi đã có đủ 4 điều kiện trên, theo ông Năng, cần có khả năng bán hàng tốt, có đội ngũ marketing làm sao để đưa hình ảnh sản phẩm tới khách hàng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít chi phí nhất.
Ngoài ra, đại diện Onbrand cũng lưu ý, doanh nghiệp khi bán hàng bên Mỹ, tính pháp lý cho sản thương hiệu, sản phẩm cũng rất quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp cần quan tâm bảo vệ.
"Thành công phụ thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp (chiếm 60%). Bởi họ là những người hiểu rõ nhất về sản phẩm, ngành hàng của mình".
Ông Trịnh Khắc Toàn
Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam
Với những doanh nghiệp đã gia công cho các khách hàng bán ở Mỹ. Họ sẽ biết được những sản phẩm nào thị trường Mỹ đang có nhu cầu, sản phẩm nào phù hợp với thị trường Mỹ.
Hoặc doanh nghiệp có thể tìm hiểu dựa vào các báo cáo khảo sát thị trường của bên thứ 3 về thị trường Hoa Kỳ để định hướng cho sản phẩm của mình nếu bán ở Mỹ. Cũng như tự tìm hiểu thông qua các mạng xã hội. Trực tiếp khảo sát qua các báo cáo độc lập hoặc các đối tác cung cấp dịch vụ. “Quan trọng nhất là doanh nghiệp nên tận dụng đội ngũ Amazon tại Việt Nam để hiểu được nhu cầu thực sự của thị trường Mỹ và có định hướng kinh doanh sát thực”, ông Toàn nói.
Đặc biệt, cạnh tranh trên thị trường Amazon cũng rất lớn. Do đó, doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm mang tính chất đột phá, ưu việt so với các đối thủ tiềm năng trong tương lai.