Tuần lễ thời trang New York: Công nghệ thúc đẩy doanh số bán hàng

Minh Nguyệt
Chia sẻ

Thay vì dùng công nghệ để thu hút sự chú ý của truyền thông, các thương hiệu năm nay mong muốn những hiệu quả kinh tế thực chất hơn, đồng thời giảm lãng phí. Rất nhiều giám đốc sáng tạo cho rằng trong thời buổi cắt giảm chi tiêu này, Web3 nên “xếp hàng” phía sau...

Ảnh: Vogue Business
Ảnh: Vogue Business

“Thời trang theo yêu cầu” đã nổi lên như một chủ đề đổi mới quan trọng tại Tuần lễ thời trang New York khi các nhà thiết kế nhận thức được tình trạng suy thoái kinh tế, và có lẽ là cả sự vỡ mộng về metaverse. Họ đã chuyển từ việc khám phá Web3 sang những công nghệ mà họ hy vọng sẽ ngay lập tức cải thiện hoạt động sản xuất, tiếp thị và bán hàng.

Ngoài sản xuất theo yêu cầu, được các thương hiệu như Bruceglen và Laura Garcia sử dụng, còn có những cách tiếp cận mới để “xem ngay và mua ngay”, được áp dụng tại các thương hiệu như Patbo, Staud, Collina Strada, Luar, Dion Lee, 3.1 Phillip Lim, Altuzarra và Rebecca Minkoff...

THIẾT KẾ, BÁN, SẢN XUẤT

Trong thời kỳ đại dịch, hai anh em nhà thiết kế Proctor của thương hiệu Bruceglen đã nộp đơn và giành được một khoản tài trợ từ công ty công nghệ Resonance. Bruce cho biết, vào thời điểm đó, họ chưa hoàn toàn hiểu hết những gì mà sự hợp tác này mang lại, đó là một quy trình thiết kế và sản xuất nhằm mục đích giảm đáng kể chất thải thời trang. Công nghệ “One” của công ty Resonance đã sử dụng thiết kế kỹ thuật số để tạo ra các mẫu quang học và sử dụng AI để cắt vải hiệu quả nhất có thể, sau đó vận chuyển trực tiếp đến cơ sở sản xuất.

Bruce và Glen nhận thấy rằng làm việc với công nghệ này giúp bộ sưu tập của họ được sản xuất với chi phí hợp lý hơn và nhanh hơn. Họ ước tính rằng hiện tại họ chỉ cần khoảng 1/4 thời gian so với trước đây để thiết kế và đánh giá các mẫu, đồng thời có thể đi từ ý tưởng đến sản phẩm may mặc hoàn thiện trong vòng ba tuần.

Tuần lễ thời trang New York: Công nghệ thúc đẩy doanh số bán hàng - Ảnh 1
Tuần lễ thời trang New York: Công nghệ thúc đẩy doanh số bán hàng - Ảnh 2
 
Tuần lễ thời trang New York: Công nghệ thúc đẩy doanh số bán hàng - Ảnh 3
Tuần lễ thời trang New York: Công nghệ thúc đẩy doanh số bán hàng - Ảnh 4
 
Tuần lễ thời trang New York: Công nghệ thúc đẩy doanh số bán hàng - Ảnh 5
Tuần lễ thời trang New York: Công nghệ thúc đẩy doanh số bán hàng - Ảnh 6
 

Công nghệ cũng cho phép họ áp dụng quy trình thiết kế “độc đáo” của mình, trong đó họ tạo ra nhiều biến thể về hoa văn và màu sắc, bao gồm cả một số mẫu không được giới thiệu trên sàn diễn. Giờ đây, họ có thể đưa các phiên bản kỹ thuật số 3D của những mẫu này lên trang web của mình, nếu bán được thì họ mới bắt đầu sản xuất.

Còn với Garcia, khi cô lên kế hoạch khởi động lại công ty của mình vào năm ngoái, cô cảm thấy việc tồn kho là vấn đề lớn nhất đối với hiệu suất doanh thu. Sản xuất theo yêu cầu có nghĩa là khi ngành thời trang chuyển sang thương mại điện tử, giao hàng tận nơi và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng; các nhà bán lẻ không còn cần thiết phải dự trữ hàng tồn kho dư thừa. Garcia nói: “Dù bạn là người bán hàng có kinh nghiệm đến đâu thì cũng khó có thể luôn luôn dự đoán đúng xu hướng thị trường, vẫn luôn có xác suất cho việc hàng tồn kho không bán được”.

Theo Vogue Business, việc thương hiệu chỉ sản xuất quần áo sau khi khách hàng chốt mua chính là “phản đề của thời trang nhanh”, nhưng tốc độ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Người đồng sáng lập Resonance, Lawrence Lenihan, cho biết sau khi thương hiệu bán được một bộ quần áo theo phương thức trực tuyến, sản phẩm thật có thể đến tay khách hàng trong vòng 10 ngày hoặc ít hơn.

Tuy nhiên, mặc dù giá trị tiềm năng của thiết kế kỹ thuật số và sản xuất theo yêu cầu là rõ ràng, nhưng việc chuyển đổi ngành này là một thách thức về mặt kỹ thuật và chuỗi cung ứng. Ông Lenihan nói: “Ngành công nghiệp này vốn vận hành dựa trên trình tự: thiết kế, sản xuất và bán. Nhưng chúng tôi muốn tạo ra xu hướng: thiết kế, bán, rồi sản xuất. Chỉ cần đổi vị trí của hai từ, nhưng nói lên tất cả”.

Thương hiệu Patbo cho phép khách hàng đặt hàng trước trong mùa này bằng cách hợp tác với công ty công nghệ thương mại điện tử Brazil Vtex.
Thương hiệu Patbo cho phép khách hàng đặt hàng trước trong mùa này bằng cách hợp tác với công ty công nghệ thương mại điện tử Brazil Vtex.

Tại New York Fashion Week năm nay, trí tuệ nhân tạo không hoàn toàn vắng mặt, nhưng chỉ đóng vai trò trợ giúp sau hậu trường. Ví dụ: nền tảng của Resonance phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế kỹ thuật số và AI. Thương hiệu Hillary Taymour của Collina Strada cũng sử dụng AI tổng quát để thiết kế bộ sưu tập của mình, nhưng cô ấy không đề cập đến nó khi giới thiệu chương trình. Thay vào đó, nhà thiết kế này đưa ra một mã QR để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Emcee, một ứng dụng thương mại xã hội giúp bán các mặt hàng thời trang ngay khi chúng xuất hiện trên sàn diễn.

XEM NGAY, MUA NGAY

Mua sắm qua video livestream không phải là xu hướng mới, nhưng chúng xuất hiện trong thời đại mới, với công nghệ tốt hơn và có lẽ những kỳ vọng vừa phải hơn. Người sáng lập Patbo và giám đốc sáng tạo Patricia Bonaldi đã cho phép khách hàng đặt hàng trước trong mùa này bằng cách hợp tác với công ty công nghệ thương mại điện tử Brazil Vtex. Chương trình Patbo được phát trực tiếp trên trang web của thương hiệu và trên Instagram. Khi từng mẫu thiết kế xuất hiện trên màn hình, người xem từ xa có thể xem chi tiết sản phẩm, giá cả và nhấp chuột để đặt hàng.

Bà Bonaldi nói: “Tôi tin rằng video là tương lai của việc mua sắm, đặc biệt là với quần áo, vốn có rất nhiều chi tiết và cần được hình dung dựa trên cử động và chuyển động”. Bà Bonaldi cho biết thương hiệu đã rất thành công khi chia sẻ video sản phẩm trên trang web của mình, Instagram và TikTok, mang lại nhiều lượt tương tác hơn và doanh số bán hàng cao hơn.

Ví dụ: bộ sưu tập mùa này, lấy cảm hứng từ Brazil vào những năm 1970, bao gồm các chi tiết trang trí và tua rua lông vũ, cùng với những mẫu túi thủy tinh hợp tác với Raiffe Glass, những chi tiết đắt giá mà có thể không bộc lộ rõ ràng chỉ qua hình ảnh tĩnh.

Whatnot đã huy động được gần 500 triệu USD khi theo đuổi hướng đi thương mại video trên mạng xã hội.
Whatnot đã huy động được gần 500 triệu USD khi theo đuổi hướng đi thương mại video trên mạng xã hội.

Trong khi đó, Staud đã sử dụng nền tảng mua sắm video Whatnot để giới thiệu những mẫu túi xách mới độc quyền chỉ dành cho người dùng Whatnot ngay sau khi xuất hiện trên sàn diễn, cùng với một số sản phẩm có một không hai từ các mùa trước. Whatnot, nền tảng mua sắm phát trực tiếp lớn nhất ở châu Âu tính theo tổng giá trị giao dịch, đã huy động được gần 500 triệu USD khi theo đuổi hướng đi thương mại video trên mạng xã hội. Jack Driessen, người đứng đầu bộ phận may mặc của Whatnot, cho biết thời trang là danh mục có mức tăng trưởng lớn nhất.

Tương tự, các thương hiệu Altuzarra, 3.1 Phillip Lim và Rebecca Minkoff đã làm việc với nền tảng mua sắm hoàn tiền Rakuten, giúp mang lại cho người mua sắm một số phần trăm tiền hoàn lại cho bất kỳ giao dịch mua nào được thực hiện. Theo đó, các thương hiệu trả tiền cho Rakuten để thu hút khách hàng, đổi lại chương trình mua sắm có tên Wear the Runway giúp người mua tùy chọn mua một món đồ tiêu biểu từ mỗi bộ sưu tập mới, từ trước khi các kiểu dáng đó có sẵn tại cửa hàng.

Trong khi đó, Web3 và những thương hiệu khai thác thời trang kỹ thuật số không hoàn toàn vắng mặt ở New York mùa này, nhưng chỉ xuất hiện tại các sự kiện vệ tinh, nơi các nhà thiết kế thử nghiệm giới thiệu tác phẩm mới và thảo luận về cách họ điều hướng các cảm xúc đang thay đổi. Tuần lễ Thời trang Kỹ thuật số, một chuỗi sự kiện kéo dài nhiều ngày trùng với Tuần lễ thời trang New York, sẽ bao gồm các hội thảo, các bài thuyết trình và tọa đàm về những trở ngại mà các nhà sáng lập thời trang kỹ thuật số phải đối mặt.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con