Tỷ giá giảm 0,1% từ đỉnh thiết lập ngày 23/4
Sau hàng loạt biện pháp cân bằng áp lực tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, đến 6/5, tỷ giá USD/VND giảm 0,1% so với mức đỉnh được thiết lập ngày 23/4. Chuyên gia dự báo tỷ giá xuống vùng 25.100 – 25.300 VND/USD trong quý 2...
Ngày 6/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 1 USD bằng 24.275 VND, giảm nhẹ 1 đồng so với ngày 4/5. Với biên độ +/-5% theo quy định hiện hành, tỷ giá trần là 25.457 VND/USD, tỷ giá sàn là 23.063 VND/USD.
Ngày 6/5, hầu hết các ngân hàng vẫn giữ giá USD bán ra ở mức trần so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch tại 25.457 VND/USD.
Vietcombank tăng 10 đồng ở chiều mua vào và với các giao dịch chuyển khoản, lần lượt là 25.127 – 25.157 VND/USD.
VietinBank tiếp tục tăng mạnh tăng tới 64 đồng ở chiều mua vào và giao dịch chuyển khoản, giao dịch tại 25.164 VND/USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá tăng 45 đồng chiều mua vào và tăng 20 đồng chiều bán ra, giao dịch tại 25.710 – 25.790 VND/USD.
Kể từ tuần cuối tháng 4 trở lại đây, tỷ giá ngân hàng tương đối ổn định trong khi tỷ giá thị trường tự do vẫn biến động mạnh.
Theo Báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất từ Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & Kinh tế Toàn cầu của UOB cập nhật ngày 3/5, UOB kỳ vọng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng Nhân dân tệ (CNY).
Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh được thiết lập ngày 23/4, tỷ giá thị trường tự do đã giảm 0,155% (từ 25.830 VND/USD ngày 23/4 xuống 25.790 VND/USD ngày 6/5); tỷ giá ngân hàng thương mại giảm 0,1%; tỷ giá trung tâm giảm 0,12%.
Tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng ở mức 25.415 VND/USD giảm nhẹ 0,1% kể từ đỉnh ngày 23/4, tăng 4,4% kể từ đầu năm. Tỷ giá tự do ở mức 25.735 VND/USD, tỷ giá trung tâm ở 24.261 VND/USD, lần lượt tăng 4,4% và 1,6% so với đầu năm. Nhìn chung, diễn biến của đồng VND vẫn khá tương đồng với các đồng tiền khác trong khu vực: baht Thái (giảm 7,8%), Malaysia riggit (-3,8%), Singapore dollar (-3,4%)…
Trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hàng loạt các biện pháp bao gồm: đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; điều hành linh hoạt thị trường mở nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất USD-VND, từ đó hạn chế các giao dịch nhằm hưởng chênh lệch lãi suất.
Đáng chú ý, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm. Tại báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tháng 5, WiGroup cho biết Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD tính đến năm 2023) ra thị trường.
Tuần từ 6/5 đến 10/5, Khối Thị trường tài chính của ACB dự báo áp lực đối với tỷ giá trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục bám sát vùng 25.400 - 25.450/USD trong tuần này.
Tuy nhiên, trong dài hạn, nhiều tổ chức dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt từ cuối quý 2/2024.
Cụ thể, MBS cho rằng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 VND/USD trong quý 2 năm nay dưới những yếu tố tích cực sau đây.
Thứ nhất, Chính phủ đã có những chỉ đạo kiểm soát để bình ổn thị trường vàng.
Thứ hai, những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 4 tháng 2024 đạt 8,4 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ), dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tích cực và dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024, dòng vốn FDI thực hiện 4 tháng ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,4% (YoY); du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 4 tháng đầu năm 2024 tăng 68,3% YoYvà tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Theo Báo cáo dự báo tỷ giá và ngoại hối toàn cầu mới nhất từ Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & Kinh tế Toàn cầu của UOB cập nhật ngày 3/5, UOB kỳ vọng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng Nhân dân tệ (CNY).
UOB cập nhật dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 25.600 VND/USD trong quý 2, quý 3 là 25.100 VND/USD, quý 4 là 24.800 VND/USD và 24.600 VND/USD trong quý 1/2025.