Tỷ giá giảm 3 tuần liên tiếp
Ngày 12/8, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh, nối dài chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp kể từ 22/7. Hiện nay, VND ghi nhận mức giảm giá khoảng 4,1% so với cuối năm 2023...
Ngày 12/8, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.256 VND/USD, giảm 4 đồng so với cuối tuần trước (9/8).
Với biên độ +/- 5% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trần là 25.468 VND/USD; tỷ giá sàn là 23.043 VND/USD.
Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá mua vào – bán ra ở mức 23.400 và 25.450 VND/USD.
Sáng 12/8, tỷ giá tại Vietcombank tăng 10 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước, giao dịch tại 24.910 VND/USD mua vào và 25.280 VND/USD bán ra. Mặc dù vậy, tỷ giá Vietcombank vẫn thấp hơn 188 đồng so với trần tỷ giá.
Các ngân hàng thương mại khác đồng loạt điều chỉnh tỷ giá giảm từ 20- 50 đồng mỗi chiều so với cuối tuần trước (9/8). Giá USD bán ra tại các ngân hàng dao động từ 25.226 VND/USD đến 25.280 VND/USD.
Trên thị trường tự do, nhiều điểm thu đổi ngoại tệ niêm yết tỷ giá ở mức 25.540 VND/USD mua vào (giảm 10 đồng so với cuối tuần trước) và 25.640 VND/USD bán ra (tăng 10 đồng).
Trong tuần trước (5/8 - 9/8), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 9/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.260 VND/USD, tăng 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 5/8 - 9/8 tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 9/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.105 VND/USD, giảm mạnh 108 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng đầu tuần nhưng giảm mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 9/8, tỷ giá tự do giảm 25 đồng ở chiều mua vào và 45 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.575 VND/USD và 25.655 VND/USD.
Kể từ 22/7 đến 5/8, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã có 3 tuần giảm liên tiếp từ sát ngưỡng trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tỷ giá tự do điều chỉnh mạnh sau khi chạm mốc đỉnh lịch sử 26.000 VND/USD, ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp từ 29/7 đến 5/8.
Như vậy, VND hiện nay ghi nhận mức giảm giá khoảng 4,1% so với cuối năm 2023.
Tỷ giá trên thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ xu hướng giảm trở lại của đồng USD. Tại Mỹ, phần đông các thành viên thị trường nghiêng về kịch bản lần giảm lãi suất đầu tiên của Fed có thể xuất hiện vào kỳ họp tháng 9, với mức cắt giảm 50 điểm cơ bàn (bps) thay vì 25 bps như kỳ vọng trước đó. Sức mạnh đồng USD điều chỉnh giảm về quanh ngưỡng 103.
Ở trong nước, các số liệu kinh tế vĩ mô tháng 7 được công bố bởi Tổng cục Thống kê cho thấy các điểm tích cực là mức vốn đăng ký và giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ.
Nhu cầu ngoại tệ trong nước không lớn, khi các doanh nghiệp đã nhập khẩu nguồn tư vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn trước; kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận thặng dư khả quan.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt thị trường mở và can thiệp hợp lý trên thị trường liên ngân hàng đã giúp thu hẹp mức chênh lệch lãi suất, giúp cho tỷ giá hạ nhiệt.
Từ tháng 7/2024 - 8/8/2024, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với tổng giá trị là 234,85 nghìn tỷ đồng trong khi lô tín phiếu giá trị 210,78 nghìn tỷ đồng trước đó đã đáo hạn. Tuy nhiên, nhà điều hành vẫn thực hiện bơm 232,24 nghìn tỷ thông qua hợp đồng OMO trong khi số tiền 207,84 nghìn tỷ trước đó đáo hạn. Thay vì chỉ thực hiện hút tiền, Ngân hàng Nhà nước tập trung vào việc duy trì lãi suất tín phiếu kỳ hạn 14 ngày ở mức cao 4,5%, để kiểm soát tỷ giá. Tuy nhiên, vào ngày 5/8, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất OMO và tín phiếu về mứcc 4,25% khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, với kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất cùng cường độ và mức độ nhiều hơn; đồng thời, trong nước có thể ghi nhận dòng ngoại tệ tích cực, VND có thể thu hẹp mức giảm giá dao động quanh 3-4% so với USD. Đây vẫn được coi là mức mất giá hợp lý so với nhiều nước trong khu vực.