Tỷ giá hạ nhiệt, chuyên gia chỉ 3 xung lực giúp VN-Index vượt 1.300 sau Lễ
Nhận định về tỷ giá hạ nhiệt tác động thế nào lên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để VN-Index vượt 1.300 điểm.
Tỷ giá luôn được ví như con "ngáo ộp" của thị trường chứng khoán trong suốt giai đoạn vừa qua khi đồng USD tăng mạnh ảnh hưởng đến những chính sách của Ngân hàng Nhà nước và gây áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. VN-Index nhiều lần bị đánh bay khỏi mốc 1.300 bất chấp ở trong nước kinh tế hồi phục mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao, lãi suất giảm ủng hộ dòng tiền đổ vào cổ phiếu...
Tuy nhiên, nỗi lo về tỷ giá đã được giải tỏa khi đồng USD đã hạ nhiệt đáng kể, trong phiên hôm nay thủng 25.000 đồng/USD.
Sáng nay (28/8), tỷ giá trung tâm đang được niêm yết ở mức 24.212 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên liền trước. Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 25.422 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.001 VND/USD.
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại sáng nay giá USD được điều chỉnh giảm tiếp so với phiên trước đó. Cụ thể, Vietcombank và BIDV và Sacombank đang niêm yết USD ở mức 24.660 - 25.000 VND/USD, giảm 40 đồng ở cả hai chiều mua - bán so với phiên trước đó. VietinBank đang niêm yết USD ở mức 24.651 - 24.991 VND/USD, giảm 32 đồng so với phiên liền trước. Eximbank đang niêm yết USD ở mức 24.660 - 24.990 VND/USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua - bán.
Trước đó, chỉ số DXY chứng kiến đà giảm mạnh trong tháng 7 và đầu tháng 8 nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến, trong đó CPI nhích tăng 0,2% trong tháng 7/2024 so với giảm 0,1% trong tháng 6/2024, phù hợp với dự báo, và tăng 2,9% so với cùng kỳ. Việc Fed gần như chăc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9 đã khiến tỷ giá thủng 25.000 đồng/USD.
Nhận định về tỷ giá hạ nhiệt tác động thế nào lên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để VN-Index vượt 1.300 điểm.
Nếu như hai năm gần đây, VN-Index cứ đến 1.300 điểm là nhà đầu tư sợ bán tháo thì giai đoạn này bối cảnh đã thay đổi rất nhiều. Đầu tiên là câu chuyện tỷ giá, đây là rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán từ đầu năm. Trong giai đoạn tháng 3, tháng 6 và tháng 7 tỷ giá lên cao, thời điểm đó mỗi phiên khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ, tuy nhiên, giờ tỷ giá về dưới 25.000 tỷ, lượng bán ròng của khối ngoại cũng đã giảm nhiều. Điều này đồng nghĩa rủi ro về tỷ giá giảm đáng kể so với thời điểm tháng 3 và 6.
Thứ hai là nhóm bất động sản, đây vốn dĩ là nhóm gây tổn hại lớn nhất cho thị trường giai đoạn vừa qua. Trong tháng 3-6 giá cổ phiếu nhóm này đi xuống gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường chung. Nhưng giai đoạn hiện tại, chỉ số VN-Index đại diện cho nhóm bất động sản vượt qua đường trung bình 100 ngày cho thấy xu hướng trung hạn tích cực hơn, kỳ vọng không "gây hại" thị trường như tháng 3 và tháng 6 nữa.
Thứ ba là về định giá của hai nhóm ngân hàng và chứng khoán. Tháng 3-6, P/B trên 2 cả nhóm này cao khi VN-Index lên 1.300 điểm nhưng thời điểm này P/B dưới 2 nên dư địa cho hai nhóm này tăng còn nhiều.
"Như vậy, kỳ vọng ba nhóm trên sẽ giúp cho Vn-Index vượt 1.300 điểm trong giai đoạn tới", ông Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi 4 thông tư quy định các vấn đề liên quan đến công bố thông tin bằng tiếng Anh, prefunding được kỳ vọng sớm ban hành sẽ tác động tích cực cho thị trường.
Một điểm đáng chú ý, ông Minh kỳ vọng chỉ số VNDiamond sắp tới thay đổi bộ quy tắc chẳng hạn như điều chỉnh thanh khoản, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài... Việc này đổi này sẽ giúp một số cổ phiếu được bổ sung như MWG, thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại...
Nhận định về từng nhóm ngành, theo chuyên gia phân tích của Chứng khoán Yuanta, ngân hàng và chứng khoán vẫn là hai nhóm hấp dẫn nhất để mua vào từ nay tới cuối năm. Với riêng nhóm ngân hàng, nợ xấu được kỳ vọng giảm, NIM cũng sẽ tốt hơn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, nhóm chứng khoán P/B đang ở mức thấp, câu chuyện prefunding mặc dù được nhắc nhiều lần nhưng cũng sẽ là câu chuyện giúp cho chứng khoán tăng tốt quay lại.
Một số nhóm ngành khác cũng được hưởng lợi khi tỷ giá hạ nhiệt như nhập khẩu, vận tải, bán lẻ, sản xuất thực phẩm. Nhóm xuất khẩu gặp khó trong ngắn hạn nhưng cũng không lo tình trạng này kéo dài, chờ tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu mới có thể quay lại hồi phục và tăng trưởng.
Trước đó bình luận về tỷ giá, Chứng khoán KBSV cũng cho rằng rủi ro suy thoái Mỹ cần thêm thời gian để đánh giá do số liệu thất nghiệp cao được nhiều nhà kinh tế học cho rằng do người dân Mỹ tham gia lực lượng lao động gia tăng và số liệu tháng 7 bị ảnh hưởng bởi cơn bão Beryl tại Bờ Tây. Hơn nữa, 1 đợt suy thoái nhẹ ở Mỹ dù sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán từ góc độ tỷ giá và điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, người quản lý quỹ của Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan bày tỏ kỳ vọng VN-Index có thể vượt 1.300 điểm vào cuối năm nay.
"Chỉ số VN-Index đã dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm một thời gian. Khi mức 1.300 điểm bị phá vỡ, dữ liệu kinh tế tích cực sẽ hỗ trợ cho kịch bản chỉ số chính có thể tăng và đóng cửa năm ở mức cao hơn đáng kể. Môi trường lãi suất thấp và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tích cực sẽ dẫn dắt thị trường, P/E dự phóng năm 2025 ở mức 10 lần”, ông Petri Deryng kỳ vọng.