Vẫn còn tinh giản biên chế kiểu cơ học, chưa gắn với nâng cao chất lượng
Việc tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức...
Tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV chiều 31/10, Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đánh giá, việc tinh giản biên chế chủ yếu giảm cơ học, chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng qua hoạt động giám sát cho thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 được triển khai và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua, công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá đây là một thành tựu và là một kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,12% so với năm 2015 và vượt mục tiêu các Nghị quyết của Đảng đề ra.
Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn của địa phương thấy rằng, công tác này vẫn còn có những hạn chế, khó khăn nhất định như việc tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy đối với phòng chuyên môn cấp huyện về công tác dân tộc chưa được triển khai thực hiện, ngoài ra danh mục sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực cũng chưa được Chính phủ ban hành.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần sớm triển khai hướng dẫn sơ kết về việc thực hiện thí điểm theo Kết luận số 34/2018 của Bộ Chính trị để làm căn cứ đề xuất, từng bước nhân ra diện rộng đối với những mô hình phù hợp, hiệu quả, để từ đó các địa phương có cơ sở triển khai, sắp xếp, tổ chức bộ máy về công tác dân tộc đối với phòng chuyên môn ở cấp huyện.
Hai là, sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực để từ đó có cơ sở rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 120/2020 của Chính phủ.
Ba là, xem xét nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn. Trong đó, cần gắn với tình hình thực tiễn của từng địa phương trong từng năm và đảm bảo mục tiêu là đủ số lượng người làm việc và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo gắn với định mức, số lượng giáo viên mỗi cấp học.