Vàng giảm giá vì đồng USD không ngừng đi lên
Các nhà dự báo duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng trong trung và dài hạn, bao gồm khả năng kim loại quý này đạt tới mốc giá 3.000 USD/oz...
Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (14/10), khi đồng USD lập đỉnh mới của 2 tháng và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc không đủ để mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Các nhà dự báo duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng trong trung và dài hạn, bao gồm khả năng kim loại quý này đạt tới mốc giá 3.000 USD/oz.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 8 USD/oz so với mức đóng cửa của tuần trước, tương đương giảm 0,3%, còn 2.649,7 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Gần 9h sáng nay (15/10) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,1 USD/oz so với mức chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.649,8 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 79,9 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Đầu giờ sáng, Vietcombank báo giá ở mức 24.635 đồng (mua vào) và 25.025 đồng (bán ra), tăng 25 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Thị trường vàng tiếp tục đương đầu với áp lực từ xu hướng tăng giá của đồng USD. Phiên ngày thứ Hai, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt ở mức 103,3 điểm, cao nhất kể từ giữa tháng 8.
Do giới đầu tư không còn đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất với mức giảm lớn 0,5 điểm phần trăm, đồng USD tăng giá mạnh thời gian gần đây. Trong 5 phiên gần nhất, Dollar Index tăng hơn 0,6%, nâng tổng mức tăng trong 1 tháng trở lại đây lên 2,3% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Ngoài ra, USD còn tăng giá khi giới đầu tư thất vọng về việc Trung Quốc kích thích tăng trưởng kinh tế. Tại một cuộc họp báo được chờ đợi vào cuối tuần vừa rồi, Bộ Tài chính Trung Quốc chỉ nói chung chung là có dư địa để tăng vay nợ và tăng thâm hụt ngân sách, nhưng không nói rõ sẽ tăng chi tiêu công bao nhiêu để vực dậy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, đồng euro cũng mất giá so với USD vì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày thứ Năm tuần này.
Về Fed, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng gần 87% ngân hàng trung ương này giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tháng 11 và khả năng hơn 13% không giảm lãi suất - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures cho rằng đang có “nhiều trở ngại nho nhỏ đối với giá vàng”, bao gồm việc Trung Quốc kích cầu thiếu mạnh mẽ, đồng USD tăng giá, đồng euro yếu, giá kim loại cơ bản giảm, và hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.
Việc giá vàng tăng mạnh mấy tháng qua đã khiến nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc giảm sút. Đồng USD tăng giá cũng khiến cho vàng thêm phần đắt đỏ khi được mua bằng các đồng tiền khác.
Nhà phân tích thị trường Zain Vawda của công ty phân tích và dữ liệu Oanda cho rằng các dữ liệu kinh tế Trung Quốc là “con dao hai lưỡi” đối với giá vàng. Một mặt, những số liệu ảm đạm về kinh tế Trung Quốc có thể gây suy yếu nhu cầu vàng; nhưng mặt khác, tình trạng xấu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng khuyến khích nhu cầu nắm giữ vàng với tư cách một tài sản an toàn.
“Xét về tổng thể, hiện vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng hơn là những yếu tố chống lại sự tăng giá của vàng”, ông Vawda nói.
Trong một báo cáo mới công bố, ông Florian Grummes, Giám đốc điều hành công ty Midas Touch Consulting, nhận định việc các nhà đầu tư tổ chức phương Tây đang dần quay trở lại với thị trường vàng sẽ dẫn tới nhu cầu vàng tăng lên trong những tháng sắp tới.
“Khối lượng vàng mà các quỹ ETF phương Tây nắm giữ mới chỉ tăng nhẹ kể từ mùa xuân năm nay và còn nhiều dư địa để tăng. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy giá vàng tăng lên ngưỡng 3.000 USD/oz trong trung hạn. Xu hướng tăng giá của vàng vẫn duy trì, nhưng trong đó vẫn có thể có một số đợt chững giá kéo dài”, báo cáo viết.