VCBS dự báo tỷ giá tăng 3% trong năm 2024
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm mạnh trong khi chỉ số DXY được dự báo tiếp tục neo ở mức cao khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực. Giới phân tích nhận định năm 2024, tỷ giá tăng khoảng 3%...
Những tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì định hướng về kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giữ ổn định mặt bằng mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận vốn.
Theo báo cáo vĩ mô Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố, lãi suất huy động giảm nhẹ 5-20 điểm % tại các kỳ hạn trong tháng 2. Tính chung 2 tháng đầu năm, lãi suất huy động giảm 10-40 điểm %. Lãi suất huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản liên ngân hàng nhìn chung khá dồi dào, tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ so với cuối năm trước.
Sau xu hướng giảm của lãi suất huy động, lãi suất cho vay nhìn chung giảm khoảng 1% từ đầu năm tới nay; tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các nhóm ngành nghề và doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 đạt -0,6%, và đến 16/02 ước tính đạt -1%, nhu cầu tín dụng yếu và dự báo khó tăng đột biến trong những tháng đầu năm.
Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm về mức thấp và có xu hướng tạo đáy. Dựa trên định hướng đảm bảo cung cấp đầy đủ tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, chuyên gia dự báo lãi suất sẽ đi ngang ở mức thấp trong giai đoạn tới.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực, khi DXY (chỉ số đo sức mạnh đồng USD) vẫn duy trì ở mức cao trong khoảng 103 – 104 điểm.
Trong tháng 1 và 2/2024, nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại nhờ sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất nhập khẩu và theo đó tỷ giá giao dịch tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng khoảng 1%. Kết thúc tháng 1, VND giảm giá khoảng 1,64% so với đồng USD.
Trên thị trường thế giới, các ngân hàng trung ương đã đưa ra những hàm ý về khả năng giảm lãi suất. Tuy vậy, các số liệu gần đây ủng hộ kịch bản các đợt giảm lãi suất sẽ đến muộn hơn so với kỳ vọng thị trường.
Giai đoạn này, điểm tích cực là thặng dư cán cân thương mại hàng hóa được duy trì đi cùng với mức vốn đăng ký và giả ngân FDI tăng so với cùng kỳ.
Khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu. Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối.
Với các áp lực tỷ giá thường trực, VCBS dự báo VND có thể giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2024. VND giảm giá vẫn sẽ kéo theo áp lực tăng lên lợi suất Trái phiếu chính phủ.
VCBS đánh giá nhìn chung tốc độ hồi phục các hoạt động kinh tế tương đối chậm rãi trong nửa đầu năm, đặc biệt tại khu vực sản xuất và chỉ cải thiện đáng kể nửa sau 2024. Trong đó, điểm sáng của nền kinh tế đến từ khu vực dịch vụ.
Nhận thấy các khó khăn đối với nền kinh tế, Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công (trọng điểm các dự án hạ tầng tăng cường kết nối vùng), gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang 6 tháng 2024,…
Với chính sách tiền tệ, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung cấp đầy đủ tín dụng của doanh nghiệp và người dân là định hướng xuyên suốt và được ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2024 tăng 1,04%, tương ứng với mức tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân tăng 3,67%. Hiệu ứng thời vụ từ tết Nguyên đán được nhiều chuyên gia nhìn nhận tiếp tục kéo dài trong tháng 3. Xét về tổng cầu, áp lực lạm phát là không lớn tại thời điểm hiện tại, do đó, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước có dư địa chính sách trong điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, các mặt hàng do nhà nước định hướng điều tiết có thể điều chỉnh giá vào thời điểm phù hợp.
VCBS cho rằng mặc dù các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đang đi đúng hướng, tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để các biện pháp thẩm thấu vào nền kinh tế, bởi bậy, tăng trưởng quý 1 sẽ đạt 5,5%-5,8%.