Vì sao đầu tư Australia vào Việt Nam còn khiêm tốn?
Australia là một trong số các quốc gia có đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) lớn, đứng thứ 15 thế giới năm 2020. Tuy nhiên, đầu tư của nước này vào Việt Nam còn khá khiêm tốn...
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến tháng 11/2021, Australia có 545 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn là 1,94 tỷ USD.
Báo cáo “Đầu tư trực tiếp của Australia tại Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và những giải pháp chính sách” do nhóm nghiên cứu là các cựu sinh viên Australia thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ cựu sinh viên Australia thuộc Chương trình Aus4Skills cho biết: hiện vốn FDI của Australia chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị FDI tại Việt Nam và đứng thứ 19 trong danh sách các nền kinh tế có đầu tư FDI lớn nhất vào nước ta.
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CÒN MỘT SỐ HẠN CHẾ
Tính trung bình các dự án của Australia vào Việt Nam có giá trị tương đối nhỏ, chỉ khoảng 3,56 triệu USD với 1 dự án. Giá trị này nhỏ so với giá trị trung bình của các dự án đầu tư FDI vào Việt Nam.
Một phát hiện nữa, các dòng đầu tư mới của FDI từ Australia vào Việt Nam chỉ tương đương với các dòng vốn điều chỉnh. So với tình hình đầu tư chung của FDI tại Việt Nam thì các dòng đầu tư mới đều tăng gấp 2-3 lần so với các nguồn vốn điều chỉnh. Con số này cho thấy dường như thị trường Việt Nam vẫn chưa thực sự thu hút đối với các nhà đầu tư mới của Australia trong thời gian qua.
Tuy còn rất khiêm tốn, nhiều nhận định cho rằng, đầu tư trực tiếp từ Australia vào Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới trong bối cảnh hội nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các doanh nghiệp Australia đánh giá cao thị trường có nhiều yếu tố thuận lợi: chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, giá cả phải chăng, khả năng kiểm soát các yếu tố bất ngờ tương đối tốt, mức độ mở cửa của nền kinh tế lớn (thông qua các FTA)... Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, bà Phùng Thị Lan Phương, Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), chia sẻ: các nhà đầu tư Australia phản ánh các vấn đề về tham nhũng, quan liêu ở một số cơ quan, cấp chính quyền địa phương vẫn còn. Bên cạnh đó, hệ thống thuế còn nhiều bất cập, thiếu nguồn lao động có trình độ cao. Những yếu kém trong thực thi pháp luật, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường... vẫn diễn ra.
Các kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy kết quả tương tự. Trong đó, điều tra CPI năm 2020 cũng cho thấy các doanh nghiệp Australia phản ánh thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà. Trong đó các thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam còn quan ngại liên quan tới thủ tục thuế, phí, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội...
Cụ thể, trong nhiều năm qua nhà đầu tư Australia lo ngại nhiều về thủ tục bảo vệ môi trường. Họ coi đây như hạn chế lớn nhất, gây cản trở đầu tư của họ tại Việt Nam. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Australia đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam - lĩnh vực có nhiều thủ tục đầu tư liên quan tới nguồn nước, nguồn đất, môi trường… Đây là các thủ tục mà các FDI Australia gặp nhiều trong thời gian qua.
Vấn đề thứ hai làm họ quan ngại là phải bỏ ra các loại chi phí không chính thức trong thúc đẩy các thủ tục hành chính, đất đai, thanh kiểm tra.
Một trong những hạn chế khác của môi trường đầu tư Việt Nam được các doanh nghiệp Australia phản ánh, đó là khó khăn trong tuyển dụng lao động chất lượng cao, kỹ năng cao. Đa số đều cho rằng việc tìm kiếm lao động phổ thông thì tương đối dễ dàng và đó là thế mạnh của Việt Nam, nhưng lao động ở vị trí cao cấp hơn thì lại rất khó khăn.
THAY ĐỔI ĐỂ TỪ “CÂN NHẮC” THÀNH “LỰA CHỌN”
Mặc dù vậy, điểm sáng trong báo cáo là mức độ liên kết giữa doanh nghiệp Australia với các đối tác Việt Nam cao hơn so với các FDI khu vực khác. Đặc biệt, 50% đầu vào các dự án FDI Australia sử dụng các đối tác nội địa là các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Yếu tố chính khiến họ lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam là do giá cả cạnh tranh, thuận tiện hơn khi mua hàng so với các nguồn khác. Song họ chưa đánh giá cao về chất lượng, cách thức kinh doanh của các đối tác nội địa.
Để doanh nghiệp Australia lựa chọn đầu tư, Việt Nam cần cải cách toàn diện khu vực công, thường xuyên rà soát quy định pháp luật trong nước, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm nhà đầu tư Australia.
Nghiên cứu cũng cho thấy tác động của Covid-19 khiến lợi nhuận của 32% FDI Australia tại Việt Nam giảm so với giai đoạn trước đó, trong đó có 20% doanh nghiệp có lợi nhuận giảm trên 10%; 12% có mức giảm lợi nhuận từ 5-10%. Nhưng so với tình hình chung của các FDI Australia ở các khu vực khác, thì mức giảm lợi nhuận của các FDI Australia ở Việt Nam nhỏ hơn. 25% doanh nghiệp Australia cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam nhưng tương đối thận trọng, thấp hơn so với các đối tác FDI khác tại Việt Nam.
Lý giải vì sao mức đầu tư của Australia vào Việt Nam còn dè dặt, ông Simon Pugh, Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, cho rằng nhiều doanh nghiệp Australia còn thiếu thông tin về Việt Nam. Do vậy, cần thúc đẩy đầu tư từ Australia vào Việt Nam thông qua hình thức tiếp cận toàn diện hơn giữa cấp chính phủ hai quốc gia và khu vực tư nhân, như giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, marketing về đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có lộ trình đầu tư đơn giản. Nên thông qua VCCI hay các cơ quan chính phủ để xây dựng quy trình từng bước đơn giản để hướng dẫn hoạt động đầu tư.
Theo TS Uwe Kaufmann, Giảng viên cao cấp Viện Kinh doanh Australia (AIB), khảo sát các FDI Australia tại Việt Nam cho thấy 48% doanh nghiệp Australia đánh giá Việt Nam rất tiềm năng và họ sẽ cân nhắc đầu tư trong thời gian tới.
Họ cho rằng để doanh nghiệp Australia lựa chọn đầu tư, Việt Nam cần cải cách toàn diện khu vực công, thường xuyên rà soát quy định pháp luật trong nước, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm nhà đầu tư Australia.
Đồng thời thực thi các cam kết đã đạt được trong các hiệp định thương mại. Cả hai hiệp định đều có các chương quy định về đầu tư, các chương về đầu tư tuân theo thông lệ tốt nhất của các hiệp định thương mại thế hệ mới, các chương về đầu tư cung cấp nền tảng pháp lý vững chắc nhằm tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư Australia. Điều quan trọng là những nền tảng và thông lệ tốt nhất đó đang được triển khai.
“Việt Nam cần đánh giá thường xuyên các luật và quy định với các câu hỏi: Chúng có đạt được mục đích không? Chúng có tuân theo thông lệ quốc tế tốt nhất không? Chúng có tạo thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư không? Mặt khác, Việt Nam cần cung cấp thông tin cập nhật, dễ dàng tiếp cận về luật, quy định và cơ hội cho các nhà đầu tư”, TS Uwe Kaufmann khuyến nghị.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Việt Nam nên tham khảo và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách thu hút và hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế và công nghệ số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến đầu tư, đồng thời nghiên cứu cách tiếp cận mở phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài...
Còn về phía Chính phủ, theo bà Phương, Chính phủ cần tập trung một số nhóm giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kiểm soát tham nhũng; nâng cao chất lượng nguồn lao động; thúc đẩy các hoạt động thông tin, xúc tiến đầu tư; tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài; hỗ trợ kết nối với các đối tác nội địa.
Các nhà đầu tư Australia cần chủ động tăng cường tìm kiếm thông tin về Việt Nam, môi trường kinh doanh tại Việt Nam; tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả vận động chính sách; gia tăng kết nối với các đối tác nội địa hơn nữa.