Vì sao “ngôi vương” doanh số của dòng xe sedan đang bị lung lay tại thị trường Việt?
Trong nhiều năm, phân khúc xe sedan tại thị trường Việt Nam luôn dẫn đầu về doanh số so với các dòng xe khác như SUV, CUV hay MPV. Tuy nhiên, càng về cuối năm 2023, vị thế này đang ngày càng bị đe dọa theo sự chuyển dịch trong thị hiếu của người tiêu dùng.
Sự lớn mạnh của dòng xe SUV, CUV
Giai đoạn 1990-2000, những mẫu xe phổ biến nhất tại thị trường Việt là Daewoo Lanos và Kia Pride thuộc phân khúc sedan hạng B. Đối với xe công vụ, xe ngoại giao dùng để đưa đón các chính khách cấp cao của nhà nước, không thể không kể đến mẫu xe "bộ trưởng" đình đám Toyota Crown. Năm 1994, hãng xe sang BMW có mặt tại Việt Nam. Hai năm sau đó, những chiếc Mercedes đầu tiên đã được lắp ráp tại Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm của hai hãng xe này cũng là sedan.
Trong hàng thập kỷ, sedan được ví như biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Không chỉ tại Việt Nam, hàng triệu người dùng trên khắp thế giới đều ưa chuộng các mẫu xe sedan, coi đây là loại tài sản khẳng định sự giàu có và đẳng cấp. Mục đích sử dụng chính của dòng xe này là phục vụ hoạt động ngoại giao, hợp tác, ký kết giữa các quan chức, lãnh đạo tập đoàn, công ty và một phần nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của các gia đình giàu có.
Tuy nhiên, một nhược điểm của sedan là chỉ chuyên chở được tối đa 4-5 người lớn, sẽ bất cập khi một gia đình gồm 3 thế hệ muốn đi dã ngoại hoặc đi đường dài. Bên cạnh đó, các mẫu sedan đều có khoảng sáng gầm nhỏ, đầu xe dài, thích hợp đi trong phố, địa hình bằng phẳng. Khi muốn đi đường trường, hoặc các địa hình đồi núi, người dùng thường ưu tiên chọn lựa những chiếc pick-up (xe bán tải) hoặc wagon để có sức kéo mạnh mẽ và khoang chứa đồ rộng rãi.
Điều này, đối với nhiều gia đình thường di chuyển cơ động giữa các đô thị mà nói có khá nhiều bất tiện vì phải chuyển đổi phương tiên liên tục. Do đó, sự ra đời của dòng xe thể thao đa dụng (SUV) 7 chỗ, MPV hoặc CUV (dòng xe lai giữa sedan và SUV) là một điều tất yếu.
Tại Việt Nam, khi kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu sở hữu ô tô cũng ngày càng tăng theo. Chiếc ô tô từ một biểu tượng của sự xa xỉ, đẳng cấp đã dần chuyển thành một phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại thường ngày của gia đình. Bên cạnh đó, số lượng người sở hữu ô tô ngày càng trẻ hóa, khiến những thế mạnh của SUV ngày càng được phát huy và được người dùng ưa chuộng.
Số liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) từ năm 2019 đến nay cho thấy, SUV đang từng bước giành lấy thị phần từ tay sedan. Cụ thể, năm 2019, doanh số sedan đạt 101.542 chiếc, SUV đạt 56.885 chiếc. Những năm tiếp theo, doanh số sedan và SUV lần lượt là: 93.905 chiếc/60.880 chiếc (năm 2020); 75.588 chiếc/64.091 chiếc (năm 2021); 90.984 chiếc/85.903 chiếc (năm 2022). Lũy kế 10 tháng của năm 2023, doanh số SUV đã vượt qua sedan khi đạt 48.197 chiếc, trong khi sedan chỉ đạt 39.549 chiếc.
Thậm chí, doanh số xe MPV cũng “ngấp nghé” vị trí của sedan với 39.110 chiếc. Doanh số CUV, MPV cũng được cải thiện qua từng năm. Điều này cho thấy, thị phần giảm đi của dòng xe sedan đều được các dòng xe khác hấp thụ, khiến cuộc đua doanh số giữa các dòng xe ngày càng trở nên cân bằng hơn. Trong đó, SUV được dự đoán sẽ chính thức “soán ngôi” sedan để trở thành dòng xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam.
Thay đổi để tồn tại
Những năm gần đây, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các dòng xe SUV, CUV, các hãng xe bắt đầu có nhiều thay đổi chiến lược đối với dòng xe sedan truyền thống. Theo đó, các phân khúc sedan được phân hóa khá rõ nét để phục vụ 3 nhóm đối tượng chính.
Một là phân khúc cao cấp sẽ chỉ phục vụ khách hàng thực sự giàu có. Đây cũng là chiến lược mới đang được Mercedes-Benz áp dụng, khi tập trung hướng đến tệp khách hàng cao cấp. Theo đó, những mẫu sedan hạng D vô tình trở thành “lỡ cỡ” bởi có giá khá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, nhưng lại chưa đủ đẳng cấp để thực sự bước vào hàng ngũ xe sang. “Nạn nhân” của sự chuyển dịch này là những mẫu xe vốn rất ăn khách tại thị trường Việt như Toyota Camry, Honda Accord, Mazda6 và Kia K5. Doanh số cả phân khúc sedan hạng D sụt giảm khiến các hãng xe liên tục áp dụng chương trình ưu đãi, giảm giá nhưng vẫn không thể vực lại được thành tích của những tháng trước đó.
Tương tự, phân khúc giá rẻ, tập trung vào những mẫu sedan hạng A cũng gặp vô vàn khó khăn khi khách hàng ngày càng thích không gian nội thất rộng rãi, nhiều tiện nghi. Khá khẩm nhất trong phân khúc này là Hyundai Grand i10, dù doanh số giảm dần đều trong vài năm trở lại đây, nhưng vẫn giữ ngôi vương doanh số của phân khúc. Các mẫu sedan khác như Kia Morning, Toyota Wigo đều có doanh số khá thấp, chỉ ở mức độ cầm chừng.
Điểm sáng của sedan ở thời điểm hiện tại tập trung vào phân khúc sedan hạng B, gồm các mẫu xe ăn khách như Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City và sedan hạng C, bao gồm Hyundai Elantra, Mazda 3, Kia K3, Honda Civic, Toyota Corolla Altis... Tính riêng tháng 10/2023, doanh số Toyota Vios đạt 1.463 chiếc, dẫn đầu phân khúc và top 3 xe bán chạy nhất của tháng. Tuy nhiên, do các hãng xe đều tập trung phát triển và ra mắt các phiên bản mới trong phân khúc B và C nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Điều này đối với người tiêu dùng lại là một điểm lợi, giúp người dùng chọn lựa được những mẫu xe ưng ý với mức giá cạnh tranh.
Trong khi đó, sự vận động của dòng xe sedan tại các thị trường quốc tế tại có nhiều khác biệt. Một số mẫu xe đang mất dần ưu thế tại Việt Nam như Toyota Camry, nhưng lại rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Đặc biệt, phiên bản Camry 2025 với những nâng cấp rõ rệt từ ngoại hình đến hệ truyền động đang tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng người hâm mộ Toyota.
Đối với giới doanh nhân giàu có, chỉ có một bộ phận CEO, giám đốc trẻ ưa thích sự trẻ trung, năng động và mạnh mẽ của SUV, còn lại vẫn ưu tiên lựa chọn sedan để di chuyển tới công ty, các sự kiện hay một cuộc hẹn quan trọng. Bên cạnh đó, các mẫu sedan luôn đem lại hiệu suất sử dụng năng lượng hiệu quả hơn so với SUV, CUV hay MPV nhờ thiết kế khí động lực học làm giảm sức cản của gió khi chạy trên đường. Xét về độ bền bỉ, một số mẫu sedan của Volvo, Mercedes-Benz, Toyota có thể đạt ODO hàng triệu km mà chưa bị hỏng.
Theo đánh giá của Consumer Reports, xét theo phân khúc, dòng xe sedan vẫn là loại phương tiện đáng tin cậy nhất với điểm trung bình là 57/100, tiếp theo là SUV (50 điểm) và minivan (45 điểm).
Jake Fisher, giám đốc cấp cao về thử nghiệm ô tô tại Consumer Reports, cho biết: “Những chiếc xe sedan dù không còn được ưa chuộng như xưa, nhưng chúng rất đáng tin cậy”.