Vì sao người Việt chuộng mua hàng giá rẻ xuyên biên giới?
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 79,62 tỉ USD, tăng tới 20,96 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức tăng 35,7%...
Một phần rất lớn trong số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam được bán trực tiếp từ nhà bán hàng đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử. Thực tế, thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là mua hàng trực tiếp từ Trung Quốc, hiện đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước.
TEMU, 1688, TAOBAO... LẦN LƯỢT "ĐIỂM DANH"
Từ giữa năm ngoái 2023, nhà cung cấp ứng dụng mua sắm bình dân Temu, thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử đa quốc gia PDD Holdings bắt đầu mở rộng sang Đông Nam Á với điểm đặt chân đầu tiên là Philippines. Chiến dịch của Temu sau đó tiếp tục hướng đến Thái Lan, bắt đầu giao hàng từ tháng 7 vừa qua.
Dù chưa công bố chính thức vào Việt Nam nhưng người dùng Việt đã có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng Temu với phiên bản tiếng Việt. Thời gian chờ giao hàng chỉ từ 4 - 7 ngày và được miễn phí vận chuyển.
Mới đây, 1688.com - nền tảng bán buôn của Trung Quốc thuộc tập đoàn Alibaba chủ yếu phục vụ nội địa, cũng đã bất ngờ thêm ngôn ngữ tiếng Việt trên phiên bản iOS và hỗ trợ giao hàng tới địa chỉ người dùng ở Việt Nam. Nền tảng này cũng hỗ trợ các loại thẻ quốc tế, ngoài kênh ví nội địa Trung Quốc là Alipay. Tương tự, từ tháng 8, Taobao - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba - cũng đã cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, hàng Trung Quốc sẽ ồ ạt vào Việt Nam vì quá nhiều lợi thế từ sự đầu tư đồng bộ từ xây hàng loạt tổng kho dọc biên giới, tổ chức kho trung tâm từ Quảng Đông, Quảng Châu... với đường dây vận chuyển tối ưu về thời gian, chi phí, lượng hàng giá rẻ lại dồi dào và cả hệ thống hỗ trợ lao động, logistics ngay nội địa Việt Nam.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây kho bãi, trung tâm phân loại ngay tại Việt Nam nhằm rút ngắn tốc độ giao hàng. Nhờ hệ thống kho bãi cũng như trung tâm phân loại được đầu tư bài bản, nhiều đơn hàng Trung Quốc được đặt chỉ trong 1 - 2 ngày đã có thể đến tay khách hàng tại Hà Nội, 3 - 5 ngày tới TP.HCM. Thậm chí do không giáp với Việt Nam, các doanh nghiệp ở Quảng Châu đã chấp nhận tìm tới vùng biên giới Đông Hưng để xây và thuê kho, tạo sự thuận tiện cho việc vận chuyển, buôn bán hàng qua Việt Nam.
Giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, thao tác đặt hàng khá đơn giản... là những lợi ích mà doanh nghiệp Trung Quốc mang lại cho người tiêu dùng Việt. Chị Đặng Thanh Huyền, một người tiêu dùng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết chị chỉ cần đợi 3 ngày với ưu đãi miễn phí vận chuyển sau khi áp mã khuyến mại, là đã nhận được chiếc đèn bàn từ Trung Quốc đặt qua sàn thương mại điện tử Shopee. Đáng nói, thời gian thông quan cho đơn hàng này chỉ đúng 2 ngày. Trong khi đó, một đơn hàng mỹ phẩm khác từ thương hiệu trong nước nhưng mất 5 ngày chị mới nhận được hàng.
Tương tự, chị Lê Huỳnh Thiên An (Q.2, TP.HCM) cũng thường xuyên đặt mua quần áo và phụ kiện thời trang từ gian hàng quốc tế trên các sàn thương mại điện tử đã gần hai năm nay. Theo chị An, cùng một mẫu mã nhưng các gian hàng quốc tế có giá rẻ hơn trong nước, một số đơn vị cũng đã hỗ trợ vận chuyển thẳng về địa chỉ của người mua ở Việt Nam và người mua được thanh toán trực tiếp thay vì phải qua trung gian.
Việc hỗ trợ tiếng Việt và vận chuyển thẳng về địa chỉ người mua ở Việt Nam, thời gian giao hàng tương đương với mua hàng trong nước, sẽ rất thuận lợi hơn cho các cá nhân mua những sản phẩm tiêu dùng kích thước nhỏ, số lượng ít về sử dụng.
Tuy nhiên, theo chị An, người mua cần chú ý lựa chọn shop có độ uy tín cao. Hiện nay, các shop trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc được xếp hạng độ uy tín bằng đánh giá của người đã từng sử dụng dịch vụ, qua biểu tượng cũng như số lượng biểu tượng. Chẳng hạn, trên Taobao, biểu tượng trái tim là shop uy tín thấp và đây thường là các gian hàng mới mở. Biểu tượng kim cương là các shop uy tín trung bình, biểu tượng vương miện bạc là các shop uy tín cao và sở hữu lượng lớn khách hàng. Biểu tượng vương miện vàng là cấp độ uy tín cao nhất và có lượng khách ổn định cực lớn...
Cũng giống như Việt Nam, mỗi shop trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đều sẽ có những phần bình luận dành riêng cho người mua đánh giá. Trước khi mua cần đọc kỹ bình luận, hình ảnh sản phẩm thực tế sau đó đưa ra quyết định có nên mua hay không. Hiện, các sàn thương mại điện tử này chưa nhận thanh toán qua ví nội địa Việt Nam mà chỉ nhận trả tiền qua Alipay, Visa/Mastercard và một số các hình thức khác như Google Pay, Apple Pay...
ÁP LỰC CHO DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC
Theo báo cáo của Momentum Works, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á vào năm 2023, với mức tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt gần 53% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2023 lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022) và đạt quy mô trên 20,5 tỷ USD. Đà tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2024, khiến Việt Nam trở thành một thị trường đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, chính điều này đang tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nước. Theo chuyên gia mảng thương mại điện tử Đỗ Quang Huy, Giám đốc Công ty Ecotop, trong bối cảnh hàng giá rẻ của Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt với hàng trong nước, người kinh doanh phải thay đổi tư duy bán hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho riêng mình, chuẩn chỉ từ bao bì, chất lượng, marketing, chăm sóc khách hàng… nhằm tạo ra sự khác biệt với đối thủ. Lúc ấy, người bán sẽ không lo cạnh tranh về giá, từ đó sẽ giúp tăng thêm cơ hội bán hàng.
Bà Đỗ Mai Phương, Quản lý phát triển khách hàng của nền tảng số liệu Metric cũng nhìn nhận, sự gia nhập của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như 1688, Taobao, và đặc biệt là Temu, sẽ tạo ra một bức tranh thị trường phức tạp hơn. Ở đó không chỉ người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp đều đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội.
"Tôi đánh giá, sự xuất hiện của các sàn này sẽ không chỉ làm tăng tính cạnh tranh mà còn buộc các sàn thương mại điện tử trong nước phải tái cấu trúc chiến lược. Điều này có thể bao gồm việc cải tiến hệ thống logistics, đầu tư vào AI và Big Data để phân tích hành vi người tiêu dùng sâu sắc hơn, cũng như tối ưu hóa quy trình vận hành, nhằm giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng đáp ứng,” bà Phương nói.