Vì sao nhật thực “thắp sáng” du lịch Mỹ hơn cả tour diễn Taylor Swift?
Rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Việt Nam, hàng triệu người ở khu vực Bắc Mỹ đã có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần. Đây không chỉ là một hiện tượng tự nhiên kỳ thú mà còn mang lại giá trị kinh tế đáng kể...
Nhật thực toàn phần đã bao trùm lên nhiều vùng nước Mỹ trong vòng 4 phút, quãng thời gian dài nhất trong vòng hơn hai thế kỷ. Dù xảy ra trên toàn cầu cứ sau 18 tháng, nhật thực toàn phần năm nay trở nên đặc biệt hơn đối với Mỹ khi được nhìn thấy trên một vùng rộng lớn của đất nước, giúp người dân dễ tiếp cận hơn.
Khoảng 4 triệu người Mỹ đã đổ xô đến các địa điểm ngắm nhật thực. Xét về quy mô, điều này "tương đương 50 trận Super Bowls diễn ra cùng lúc từ Texas đến Maine", theo Michael Zeiler, người điều hành trang web Great American Eclipse. Kiểu du lịch như vậy sẽ tạo ra doanh thu tỷ USD trên nhiều thành phố - từ Austin, Texas đến Rochester, New York...
Ông Steve Wright, giám đốc điều hành tại Jay Peak Resort (Vermont, Mỹ) cho biết 900 phòng tại Jay Peak đã kín chỗ hôm 7/4 và 800 phòng được đặt cho ngày 8/4. Chi phí khoảng 500 USD/đêm. So với cùng thời điểm năm ngoái, số phòng khách đặt tăng gấp 10 lần. Không riêng Jay Peak, toàn bộ khu vực ở đó - một vùng nông thôn của Vermont nổi tiếng với những trang trại và khu trượt tuyết tuyệt đẹp - cũng đã "hết chỗ", ông Wright nói với CBS.
Tương tự, khách sạn và khu cắm trại ở nơi dễ dàng nhìn thấy nhật thực toàn phần đã được bán hết chỗ, với hàng chục nghìn du khách sẽ đổ xô đến các thành phố này. "Đây có thể là sự kiện du lịch đơn lẻ lớn nhất mà chúng tôi từng có", Michael Pakko, một nhà kinh tế học của Đại học Arkansas (Mỹ), nói với Washington Post. Tiểu bang cũng đang mong đợi doanh thu vượt mốc 100 triệu USD; các thị trấn và doanh nghiệp thì nỗ lực đầu tư vào những "món ăn tinh thần" khác như lễ hội âm nhạc, cưỡi ngựa trong công viên giải trí...
Các doanh nghiệp nhanh nhạy đã sớm nhìn thấy lợi ích từ hiện tượng thiên nhiên hiếm có này. Hãng hàng không Delta Airlines đã tổ chức một chuyến bay đặc biệt dành cho những người muốn chiêm ngưỡng nhật thực từ trên không. Giá vé để lên được chuyến bay này là 749 USD, trong đó có những góc nhìn đẹp có giá lên tới 1.150 USD. Tất cả các vé đã sớm được bán hết và những hành khách trên máy bay bày tỏ sự phấn khích với chuyến đi có một không hai trong đời.
Theo ước tính từ Perryman Group, một công ty phân tích kinh tế, nhật thực có thể tạo ra số tiền lên tới 6 tỷ USD nhờ tăng nhu cầu khách sạn, nhà hàng và du lịch. Như vậy, việc người Mỹ chi tiền cho khoảnh khắc ngắm nhật thực còn hơn cả tour diễn "cháy vé" của nữ ca sĩ Taylor Swift (5,7 tỷ USD). Những người theo đuổi nhật thực hoặc đơn giản là tìm kiếm nhật thực khi nó xảy ra đã bị thu hút bởi hiện tượng tự nhiên này bởi tính độc đáo, sự hiếm có và khả năng truyền cảm hứng. Một số khác có mối quan tâm đặc biệt đến thiên văn học, không gian, và rồi xem nhật thực là một cách để khám phá thế giới ấy.
Theo Reuters, có đến 5 triệu người tại khi vực Bắc Mỹ thực hiện các chuyến đi tới các địa điểm ngắm nhật thực toàn phần. Các sân vận động, công viên, nhà hàng ngoài trời đều chật ních người muốn chứng kiến tận mắt nhật thực. Các công ty du lịch đã tổ chức các chuyến thăm quan đặc biệt nhân dịp nhật thực...
Phó Giáo sư Philip Powell - Trường đại học Indiana Bloomington, Mỹ nêu ý kiến: "Nhật thực chỉ kéo dài 4 phút, nhưng trong thời gian đó có dòng người đổ đến khu vực quan sát nhật thực và họ có xu hướng chi tiêu mạnh tay. Tác động kinh tế của nhật thực toàn phần đối với các địa phương còn lớn gấp mười lần quy mô của một buổi hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao thông thường. Các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng đều đón rất nhiều người quan tâm đến hiện tượng này".
Theo giáo sư Philip Powell, các tiểu bang của Mỹ đã có kinh nghiệm từ các lần nhật thực trước và lần này đã có sự chuẩn bị tốt để tận dụng tối đa lợi ích mà nhật thực toàn phần đem lại như quảng bá rộng rãi các vị trí thuận lợi để quan sát nhật thực và bán các sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch.
Đường đi của nhật thực toàn phần năm 2024 sẽ khởi điểm từ Mexico, vòng về phía Đông Bắc từ tiểu bang Texas đến Ohio (Mỹ) rồi đến Canada và quay trở lại Maine (Mỹ). Ông Edgar Augusto González-Zatarain, thị trưởng Mazatlán, Mexico cho biết: "Chúng tôi không có loại hình du lịch này, nó không phổ biến. Thiên nhiên đang cho chúng tôi cơ hội này và chúng tôi phải tận dụng nó". Mazatlán sẽ trải qua nhật thực lâu hơn nhiều thành phố khác, kéo dài hơn 4 phút. Các khách sạn ở đó đã kín chỗ và các quan chức dự kiến đón 120.000 du khách và thu về lợi nhuận kinh tế 500 triệu peso (khoảng 30 triệu USD).
Theo The New York Times, nhiều chỉ số khác nhau cho thấy nhật thực sẽ thúc đẩy nền kinh tế của những vùng nằm trên một vành đai rộng khoảng 110 dặm (177 km), kéo dài từ Mazatlán đến Montreal. Tập đoàn cho thuê xe toàn cầu Hertz cho biết lượng đặt xe đã tăng 3.000% so với một năm trước. Dịch vụ lưu trú Airbnb công bố số lượt tìm kiếm danh sách tăng 1.000%. Ở Oklahoma (Mỹ), Choctaw Nation đã chứng kiến lượng đặt phòng tăng 200% tính đến giữa tháng 3 tại các khu nghỉ dưỡng và sòng bạc.
Còn một lý do khác khiến nhật thực luôn được "săn đón" mà ông Ray Perryman, giám đốc điều hành Perryman Group, đề cập là mọi người sẽ không thấy nhật thực như thế này trong nhiều năm nữa. Theo NASA, nhật thực toàn phần tiếp theo có thể nhìn thấy ở Mỹ sẽ không xảy ra cho đến năm 2045.
Trái đất đang trải qua thời kỳ chịu tác động từ năng lượng mặt trời mạnh mẽ và làm sống lại những chuyến du lịch thiên văn. Đáng chú ý, từ năm 2024 đến năm 2025 sẽ là cao điểm khi nhiều điểm đến xuất hiện cực quang ấn tượng nhất trong hơn một thập kỷ qua. Ngoài ra, việc quan sát cận cảnh các chòm sao cũng luôn hấp dẫn nhiều lữ khách yêu thiên văn. Phong trào này rộ lên bởi một tổ chức du lịch uy tín đã đưa ra danh sách 200 điểm có thể ngắm bầu trời về đêm đẹp nhất thế giới.
Du lịch nhằm trải nghiệm nhật thực cũng phải nói đến. Vào những năm 1970, một nhóm người đam mê thiên văn học lần đầu tiên tổ chức hành trình ngoài khơi bờ biển Nova Scotia (Canada) để xem nhật thực. Kể từ đó, loại hình du lịch này tiếp tục phát triển mạnh.