Vì sao nhiều quốc gia kiểm soát chặt thị trường vàng?
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới không bao giờ mất cảnh giác với vàng, thậm chí ở một số thời điểm, chính phủ các nước còn hạn chế người dân sở hữu vàng vật chất và bắt buộc giao dịch vàng qua tín chỉ. Những mô hình này gợi mở nhiều vấn đề đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ chế quản lý thị trường vàng...
Tại tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia đưa ra một số gợi ý về mô hình quản lý thị trường vàng trên thế giới. Trong đó, khẳng định vàng không phải là nguồn lực tài chính tạo ra của cải vật chất thực và chính phủ không bao giờ lơ là việc quản lý thị trường vàng.
NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH "NHỐT" TRONG KÉT
Theo nhìn nhận của các chuyên gia tại hội thảo, các doanh nghiệp và tiểu thương hiện nay không dại gì bỏ tiền ra ôm vàng vào, bởi vì họ cần vốn để kinh doanh. Vàng là một loại tài sản đặc biệt, chỉ mang giá trị về mặt tích trữ. Điều đó đồng nghĩa với việc, khi người dân đầu tư vào vàng đồng nghĩa một lượng lớn tiền đã chuyển từ lưu thông ngoài thị trường vào trong két sắt.
"Nắm giữ vàng thì chỉ mãi là cục vàng, thay vì vậy, nếu người dân đầu tư cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phát triển thành những thương hiệu quốc gia như Samsung, Hyundai,… sẽ làm kinh tế đất nước phát triển hơn rất nhiều", TS. Phạm Xuân Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nói.
Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết trong lịch sử thế giới, ghi nhận nhiều trường hợp các các ngân hàng trung ương trên thế giới có những biện pháp, thậm chí là cực đoan như là cấm cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất vật chất để từng bước loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông. Làm như vậy để đảm bảo được tính ổn định của kinh tế vĩ mô và đảm bảo sức mạnh của đồng nội tệ.
Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để người dân có tiền và sẵn sàng đầu tư kinh doanh vào các thị trường như chứng khoán, bất động sản,… thay vì dự trữ vàng. Cùng đó, tìm cách nâng khả năng cạnh tranh của đồng tiền Việt Nam so với các ngoại tệ mạnh khác để người dân bỏ tiền vào kinh doanh, đầu tư hoặc gửi tiết kiệm. Ngoài ra, phải tuyên truyền cho người dân hiểu rằng không nên tích trữ vàng mà nên đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi... tốt hơn nhiều so với giữ vàng.
TÍN CHỈ VÀNG CÓ KHẢ THI?
Theo nhận định của các chuyên gia, dự trữ ngoại hối của Việt Nam không nhiều và nền kinh tế đang cần rất nhiều nguồn vốn để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó phải cân nhắc việc tiêu tốn một lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu vàng. Việc dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng phải trả giá quá cao. Vàng không phải là hàng hóa thiết yếu. Không có vàng thì cuộc sống của người dân vẫn bình thường. Do vậy, cần lựa chọn cách ứng xử phù hợp với vàng.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, một số quốc gia như Hoa Kỳ ở những thời điểm nhất định đều cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bán cho người dân tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng mà họ nắm giữ. Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được nhưng Nhà nước sẽ phát hành tín chỉ thay vì vàng nguyên chất. Ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ vàng nguyên chất làm dự trữ ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương.
Trên thế giới, khi đồng nội tệ mất giá, một số quốc gia cũng thực hiện việc phát hành ETF để điều phối thị trường. Thị trường vàng vật chất sẽ không còn hấp dẫn vì khi cầm tờ giấy và cầm cục vàng là khác nhau rất nhiều. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự minh bạch.
Bên cạnh đó, thay vì cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất, Nhà nước nên có quy định khuyến khích người dân gửi vàng vào ngân hàng trung ương với mức lãi suất nhỏ. Như vậy, ngân hàng trung ương có thể tính toán và trả lời câu hỏi về số lượng vàng thực sự trong dân là bao nhiêu.
Ngoài ra, nhu cầu người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tham gia vàng vật chất mà còn muốn kinh doanh trên các sàn vàng trạng thái. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều các quốc gia công nhận sàn vàng trạng thái. Điều này là trái ngược với Việt Nam khi hoàn toàn không có.
Điều đó dẫn tới hệ quả là tình trạng lừa đảo từ đối tác từ nước ngoài lẫn trong nước lôi kéo nhau kinh doanh trên sàn vàng trạng thái. Nếu không sớm có cơ chế quản lý thì sẽ có thêm nhiều người dân bị mất tiền khi đầu tư vào các ứng dụng hoặc các sàn trạng thái đó. Điều đó gây nguy hiểm cho nền kinh tế và làm tăng tình trạng tội phạm lừa đảo.