Viện trưởng CIEM: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có thể “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển
Chưa bao giờ sự kỳ vọng đối với đội ngũ doanh nhân lại lớn lao như hiện nay. Kinh tế đất nước muốn vươn mình thì không thể thiếu được đội ngũ doanh nhân phát huy vai trò tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo...
Chiều ngày 16/10, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới 2024, với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”.
Phát biểu tại diễn đàn, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, Việt Nam đang bước đến những thời điểm quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Các số liệu gần đây cho thấy chúng ta đã đạt được những chuyển biến đáng kể. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024, cả so với cùng kỳ các năm trước cũng như so với các nền kinh tế ở châu Á. Lạm phát và tỷ giá đều tương đối ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Việt Nam đều có những sự “bứt phá” trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới và dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến khu vực Đông Nam Á.
Dù vậy, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về phát triển dài hạn. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực, song còn phụ thuộc đáng kể vào các thị trường nước ngoài và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tính đến giữa tháng 7/2024, toàn quốc có gần 940 nghìn doanh nghiệp đang kinh doanh, còn khoảng cách so với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Các doanh nghiệp hầu hết đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; số doanh nghiệp có quy mô lớn, có năng lực tham gia, dẫn dắt các công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng còn tương đối hạn chế.
Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp đã “khó lại thêm khó” khi nhiều thị trường đang gia tăng các quy định về phát triển bền vững và dữ liệu, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) hay quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân, qua đó tác động đến hoạt động nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.
Viện trưởng CIEM nói thêm, chúng ta đang đứng trước những xu thế mới, gắn liền với Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Không ít quốc gia, cơ quan, tổ chức đã từng rất dè dặt khi tiếp cận chính sách đối với những lĩnh vực này, do lo ngại về các vấn đề địa chính trị, chi phí chuyển đổi cho cộng đồng doanh nghiệp...
Tuy nhiên, giai đoạn kể từ năm 2021 đã chứng kiến nhiều nỗ lực “số hóa”, “xanh hóa” cuộc sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay lúc này đây, chúng ta đã và đang nghe nhiều đến những chuyển biến “chưa từng có tiền lệ” của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa.
Nhờ đó, ngay từ năm 2021, Việt Nam đã được Trung tâm châu Âu về Năng lực cạnh tranh số (ECDC) xếp hạng cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về thay đổi tư duy hướng tới chuyển đổi số. Khung chính sách, pháp lý cho tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cũng đã được hoàn thiện, từ Chiến lược tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ môi trường cho đến Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Không chỉ dừng ở câu chuyện trong nước, Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác phù hợp về các nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việt Nam và Singapore đã thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh từ năm 2023.
Mặc dù vậy, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.
Ngay cả CIEM rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng các mô hình định lượng để đánh giá tác động của chính sách, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn để “lượng hóa” tác động của đề xuất chính sách cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Thiếu thông tin, chia sẻ về những bài học thành công và thất bại của các doanh nghiệp đi trước cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải mày mò, tốn chi phí, thậm chí ngại đầu tư cho chuyển đổi.
Chính ở đây, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được nhìn như một quá trình, trong đó điều kiện tiên quyết là phải có quan hệ đối tác lành mạnh, thực chất và bền chặt giữa các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.
Diễn đàn ngày hôm nay được tổ chức trong bối cảnh vừa kỷ niệm 79 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Chưa bao giờ sự kỳ vọng đối với đội ngũ doanh nhân lại lớn lao như hiện nay. Kinh tế đất nước muốn vươn mình thì không thể thiếu được đội ngũ doanh nhân phát huy vai trò tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.
Trong chừng mực ấy, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu khó khăn, song cũng có thể “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở cả thị trường quốc tế và trong nước.
"Với tâm thế ấy, tôi hi vọng rằng Diễn đàn ngày hôm nay sẽ thảo luận, gợi mở được những thực tiễn, kinh nghiệm, bài học quan trọng và kiến nghị cả ở góc độ chính sách cũng như ở góc độ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Qua đó, chúng ta mong có ngày càng nhiều doanh nghiệp tiên phong thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trong một môi trường thể chế thuận lợi để các doanh nhân “muốn lớn, dám lớn, và có thể chơi lớn”", TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.