“Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới”
Việt Nam hiện có 19.400 người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên và 58 người sở hữu tài sản từ 100 triệu USD trở lên...
Theo một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu tài sản New World Wealth và công ty cố vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners, Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến tài sản trong nước tăng 125% trong thập kỷ tới.
“Đây là mức tăng tài sản lớn nhất trên thế giới tính theo GDP trên đầu người và số lượng triệu phú USD”, nhà phân tích Andrew Amoils của New World Wealth nhận xét. “Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến sản xuất hấp dẫn với các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, thời trang và dệt may toàn cầu”.
Ông Amoils cũng cho biết, sau Việt Nam, Ấn Độ là nước chứng kiến tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh thứ hai thế giới với mức năng 110% từ nay tới năm 2027.
Việt Nam hiện có 19.400 người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên và 58 người sở hữu tài sản từ 100 triệu USD trở lên. Nhà phân tích của New World Wealth cho biết Việt Nam được xem là một quốc gia tương đối an toàn so với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là chưa kể các công ty mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
Trong một báo cáo gần đây, công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey đánh giá Việt Nam có “vị trí chiến lược” khi nằm giáp Trung Quốc và gần với các tuyến thương mại hàng hải lớn. Bên cạnh đó, chi phí lao động thấp cùng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu là những nhân tố giúp đưa Việt Nam trở thành một “điểm đến hàng đầu” thu hút đầu tư quốc tế.
Năm 2023, GDP của Việt Nam tăng 5,05%, giảm tốc so với mức 8,02% của năm 2022, do nhu cầu toàn cầu suy giảm và giải ngân đầu tư công chậm. Trong đó, ngành sản xuất đóng góp khoảng 25% GDP.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 10 năm trước, GDP trên đầu người của Việt Nam chỉ là khoảng 2.190 USD, nhưng hiện đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD.
“Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và điều này mang lại lợi ích cho cho hầu hết người dân”, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital Group, nhận xét với hãng tin CNBC.
Theo ông Ho, Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi nhiều công ty đa quốc gia tìm tới đây để đa dạng hóa hoạt động sản xuất – động thái nằm trong chiến lược “Trung Quốc cộng 1” của các doanh nghiệp này. Do đó, thời gian qua, Việt Nam ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn và đều đặn từ các công ty đa quốc gia. Năm 2023, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam tăng 32% so với năm trước đó, lên 36,6 tỷ USD.
“Vốn đầu tư nước ngoài này có tính dài hạn, mang lại việc làm chất lượng cao với mức lương tốt và giúp hàng triệu người Việt Nam nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Ho cho biết.
Theo nhà kinh tế Brian Lee của ngân hàng Maybank (Malaysia), cậu chuyên tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi công cuộc hiện đại hóa với trọng tâm.
“Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam trải qua ba làn sóng FDI và hiện đang trải qua làn sóng thứ tư”, ông Lee nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Lee, Việt Nam vẫn đối mặt không ít “cơn gió ngược” có thể cản trở tăng trưởng, trong đó có vấn đề của lực lượng lao động. Ông cho rằng lao động Việt Nam cần được đào tạo nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực có tay nghề của doanh nghiệp cũng như thực hiện các công việc sản xuất phức tạp.
Còn theo ông Ho của VinaCapital một cuộc suy thoái toàn cầu kéo dài cũng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu tại các thị trường phát triển, và theo đó ảnh hưởng tới ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, một đợt “giảm giá mạnh” của đồng nội tệ cũng có thể cản trở tăng trưởng của nền kinh tế.