Việt Nam tìm kiếm nguồn vaccine Covid-19 từ Mỹ, EU, Nhật Bản
Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ tạo điều kiện để có thể tiếp cận nguồn vaccine sản xuất như: Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson; đề nghị EU hỗ trợ tiếp cận nguồn vaccine của châu Âu từ nguồn trực tiếp và từ các chương trình khác
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết điều này tại buổi làm việc với các tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản về tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam ngày 1/4.
Trong cuộc làm việc với bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Qũy Dân số Liên Hợp Quốc (UNPFA), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm chủng cho người dân.
Tuy nhiên so với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vaccine khá lớn, do vậy Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vaccine phòng Covid-19.
Tiếp sau 811.000 liều vaccine đầu tiên của COVAX Facility đã về Việt Nam ngày 1/4, sẽ có khoảng 4,1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 nữa sẽ về đến Việt Nam trong tháng 5/2021. "Số liều vaccine còn lại, chúng tôi rất mong các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc thúc đẩy để có lộ trình cung ứng phù hợp, ưu tiên trong năm 2021 để có thể bao phủ được tỷ lệ tiêm vaccine tới đông đảo người dân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Cùng ngày, làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Đại sứ và phía EU quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong các chính sách tiếp cận nguồn vaccine của châu Âu, không chỉ qua cơ chế COVAX mà còn từ nguồn trực tiếp hay các chương trình khác. Đồng thời có những hỗ trợ giúp tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thành công.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti thông tin, EU đã đóng góp trên 2,5 tỷ USD vào cơ chế COVAX với mục tiêu mang vaccine đến cho càng nhiều người càng tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 theo đúng đối tượng Nghị quyết 21/NQ-CP đảm bảo công bằng, hiệu quả. Đồng thời mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp, hãng dược phẩm, trang thiết bị y tế của châu Âu sẽ đầu tư, sản xuất tại Việt Nam bởi với dân số đứng thứ 15 thế giới, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để đầu tư.
Tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Astralia có thể hỗ trợ 1 tỷ liều vaccine cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tin vui đối với các nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng cũng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trực tiếp cho người dân Việt Nam các loại vaccine của Hoa Kỳ, đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vaccine sản xuất của Hoa Kỳ như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson. Đồng thời, mong muốn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho Việt Nam để có thể tổ chức chiến dịch tiêm vaccine thành công.
Về những đề xuất của Bộ Y tế, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết, hai bên thống nhất sẽ thiết lập nhóm công tác tạm thời trong tiếp cận và hỗ trợ vaccine Covid-19.
Cũng tại cuộc tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các công ty ở Nhật Bản cũng đang phát triển các vaccine với những tín hiệu khả quan, cùng với nguồn cung vaccine ở Nhật Bản dồi dào. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ nguồn vaccine với Chính phủ và người dân Việt Nam.
Đồng thời phối hợp, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có khả năng sản xuất vaccine ở Việt Nam để trao đổi, chia sẻ, hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất và thử nghiệm vaccine ở Việt Nam.
Bộ trưởng cũng mong muốn phía Nhật Bản có hỗ trợ giúp hệ thống dây chuyền tiêm chủng mở rộng thời gian tới để giúp Việt Nam có đủ khả năng cung cấp vaccine cho người dân.