Vietjet Air báo lỗ hơn 100 tỷ quý 4/2021, cổ phiếu vẫn tăng giá nhờ kỳ vọng mở cửa bầu trời?
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng dẫn đến Vietjet báo lỗ 82 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, lỗ trước thuế 82 tỷ đồng, lỗ sau thuế 93 tỷ đồng và lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ là 102 tỷ đồng.
Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air - VJC ) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 sau một thời gian dài trì hoãn do Covid-19. Kỳ này, doanh thu thuần Vietjet Air ghi nhận 2.789 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với quý 3/2021 thì doanh thu đã tăng nhẹ trở lại.
Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Vietjet đạt 370 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu là chi phí lãi vay ghi nhận 297 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng dẫn đến Vietjet báo lỗ 82 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, lỗ trước thuế 82 tỷ đồng, lỗ sau thuế 93 tỷ đồng và lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ là 102 tỷ đồng.
Mặc dù lỗ lớn quý cuối năm, nhưng lũy kế năm 2021, Vietjet Air vẫn có lãi trước thuế 186 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng. So với năm trước, lợi nhuận sau thuế tăng 46%.
Tổng tài sản tính đến cuối quý 4/2021 tăng 6.000 tỷ đồng lên 51.784 tỷ đồng song chất lượng tài sản lại xấu đi. Các khoản phải thu tăng mạnh, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền lại giảm còn 1.868 tỷ đồng.
Nợ phải trả 34.909 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với thời điểm đầu năm và gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu. Trong năm qua, vay nợ ngắn hạn của Vietjet giảm từ 10.100 tỷ đồng xuống chỉ còn 7.250 tỷ đồng. Ngược lại, vay và trái phiếu phát hành dài hạn tăng vọt từ 1.347 tỷ đồng lên 8.206 tỷ đồng.
Phần tăng thêm chủ yếu đến từ Công ty chứng khoán HDB, với giá trị 7.123 tỷ đồng. Đây là trái phiếu phát hành không yêu cầu tài sản đảm bảo và chịu lãi suất cố định 9,5%/năm đầu tiên kể từ ngày phát hành và lãi suất thả nổi trong những năm tiếp theo cho đến ngày đáo hạn. Năm 2021, Vietjet đã trả gần 800 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 77% so với năm trước.
Các khoản phải thu tăng mạnh cùng với việc gia tăng chi trả lãi vay đã khiến cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vietjet Air tiếp tục âm 3.548 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá VJC tăng mạnh suốt thời gian qua vì được đánh giá hồi phục nhờ chính sách mở cửa hàng không quốc tế của Chính phủ từ tháng 3/2022. Chốt phiên giao dịch 1/4, thị giá VJC gần 141.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch cũng được cải thiện đáng kể với trung bình hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp mỗi phiên.