VN-Index lại mất sạch điểm, khối ngoại xả dữ dội
Lực cầu lại mất hút trong phiên giao dịch sáng nay khiến bên bán phải hạ giá rất nhiều mới có thể thoát ra được. Đặc biệt nhóm blue-chips trong 10 mã vốn hóa lớn nhất thì 8 mã giảm cực mạnh trên 1%. Thanh khoản khớp lệnh HoSE mới đạt khoảng 4.380 tỷ đồng, giảm 20%, tương đương phiên ngày 17/10 vừa qua. Khối ngoại xả đột biến hơn 18% thanh khoảng sàn này, với giá trị bán ròng lớn nhất 17 phiên...
Lực cầu lại mất hút trong phiên giao dịch sáng nay khiến bên bán phải hạ giá rất nhiều mới có thể thoát ra được. Đặc biệt nhóm blue-chips trong 10 mã vốn hóa lớn nhất thì 8 mã giảm cực mạnh trên 1%. Thanh khoản khớp lệnh HoSE mới đạt khoảng 4.380 tỷ đồng, giảm 20%, tương đương phiên ngày 17/10 vừa qua. Khối ngoại xả đột biến hơn 18% thanh khoảng sàn này, với giá trị bán ròng lớn nhất 17 phiên.
VN-Index chốt phiên sáng bốc hơi 17,5 điểm tương đương -1,58% trong khi phiên cuối tuần tăng hơn 20 điểm. Tuy nhiên thanh khoản lại giảm 20% cho thấy có yếu tố giảm mua rõ nét. Mặt khác tác động từ nhóm vốn hóa lớn cũng đóng vai trò quan trọng.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index thì VCB giảm 2,48%, GAS giảm 3,25%, VIC giảm 1,27%, VNM giảm 2,9%, VPB giảm 1,62%, HPG giảm 1,64%, CTG giảm 1,87%, FPT giảm 1,61%. Chỉ số VN30-Index chốt phiên sáng giảm 1,68% với duy nhất SSB còn tăng 1,02% và 29 mã giảm. Tới 11 cổ phiếu trong rổ này giảm quá 2%. Toàn bộ 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều thuộc VN30, lấy đi khoảng 9,8 điểm trong tổng mức giảm 17,5 điểm.
Ảnh hưởng về điểm số đã tác động đến tâm lý giao dịch khá rõ nét. Mặc dù trọn phiên sáng VN-Index đỏ, nhưng chỉ khi chỉ số này lao dốc nặng, độ rộng mới tiêu cực. Lúc 9h40, HosE thậm chí còn khá cân bằng với 161 mã tăng/177 mã giảm. Khoảng 10h15 khi VN-Index giảm dưới 10 điểm, độ rộng là 120 mã tăng/259 mã giảm. Kết phiên sáng sàn này chỉ còn 95 mã tăng/367 mã giảm.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua rất nhỏ nhưng gây áp lực rất lớn ở phía bán. Khoảng 868 tỷ đồng giá trị cổ phiếu bị xả ra trên HoSE, chiếm hơn 18% tổng giao dịch của sàn. Đây là tỷ trọng rất lớn, một phần do thanh khoản chung quá nhỏ. Mức bán ròng khoảng 635,6 tỷ đồng là cao nhất kể từ phiên ngày 28/9 vừa qua. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị khối này xả ròng 336,3 tỷ đồng và giá trị bán chiếm tới 30% giá trị giao dịch của rổ.
Các mã bị xả ròng lớn nhất là MWG -77,4 tỷ, EIB -36 tỷ, STB -35,7 tỷ, MSN -34,5 tỷ, VHM -34 tỷ, VNE -32,3 tỷ, VND -31,6 tỷ, VNM -31 tỷ, SSI -26,6 tỷ, VIX -22,9 tỷ… Phía mua ròng chỉ có FPT +23,7 tỷ và KBC +15,9 tỷ là đáng kể.
Với mức thanh khoản sụt giảm mạnh, hiệu ứng giảm mua là rất rõ ràng. Đại đa số các cổ phiếu thanh khản lớn nhất thị trường sáng nay đều giảm sâu. DGC giảm 3,41% thanh khoản cao nhất 190,6 tỷ; MWG giảm 2,68% thanh khoản 173,5 tỷ; VIX giảm 3% với 126 tỷ… là các cổ phiếu rõ nét nhất. Hiện HoSE đang có 72 cổ phiếu giảm trên 2% và 90 mã giảm trong biên độ 1% tới 2%. Độ rộng như vậy tuy giảm nhiều nhưng cũng chưa đến mức hoảng loạn khi nhìn từ biên độ giá cổ phiếu. Mặt khác, nhóm giảm trên 2% hiện đang chiếm 27,4% thanh khoản sàn này, thì chỉ khoảng một phần ba (21 mã) đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng, tập trung vào nhóm VIX, MWG, DGC, VNM, PVD, HDB.
Nhóm đi ngược dòng có 37/95 mã tăng hơn 1%, nhưng thanh khoản thì chủ yếu là nhỏ. Một vài mã khá nổi bật có thể kể tới HAG tăng 5,15% thanh khoản 171,8 tỷ; CTS tăng 2,81% thanh khoản 23,8 tỷ; DXG tăng 2,09% với 155,4 tỷ; HDC tăng 1,31% với 43,5 tỷ; SSB tăng 1,02% với 19,7 tỷ.
Hiện tại thị trường chủ yếu là thiếu cầu, nên sức ép tạo ra với bên cầm cổ cực lớn. Nếu nhà đầu tư muốn thoát ra buộc phải bán hạ giá rất thấp mới có người mua. Do vậy thanh khoản nhỏ cũng có nét tích cực nhất định. Tuy nhiên sự thận trọng của người cầm tiền sẽ khiến thị trường rất khó phục hồi.