VN-Index thử thách mốc 1.000 điểm, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh
Đáy thấp nhất của VN-Index chiều nay ngay trước khi bước vào đợt ATC chỉ còn 1.017,7 điểm, giảm 2,1% so với tham chiếu tương đương 21,86 điểm. May mắn vài trụ lớn được kéo giật lên, mức giảm cuối ngày còn -18,31 điểm hay 1,76%. Khối ngoại rút ròng 658 tỷ đồng, sau khi đã bán ròng gần 1.900 tỷ đồng chỉ riêng tại HoSE từ 13/2 tới trước phiên hôm nay...
Đáy thấp nhất của VN-Index chiều nay ngay trước khi bước vào đợt ATC chỉ còn 1.017,7 điểm, giảm 2,1% so với tham chiếu tương đương 21,86 điểm. May mắn vài trụ lớn được kéo giật lên, mức giảm cuối ngày còn -18,31 điểm hay 1,76%. Khối ngoại rút ròng 658 tỷ đồng, sau khi đã bán ròng gần 1.900 tỷ đồng chỉ riêng tại HoSE từ 13/2 tới trước phiên hôm nay.
Nhịp giảm đã kéo dài sang phiên thứ 5 liên tiếp và VN-Index điều chỉnh hơn 6% giá trị, mức giảm bình thường trong ngắn hạn. Tuy vậy cổ phiếu giảm nhanh hơn nhiều. Thống kê sơ bộ với rổ VNALLSHARE của sàn HoSE đã có hơn 50 mã giảm trên 10% trong 5 phiên này.
Với tốc độ thua lỗ nhanh, nhà đầu tư sẽ phải cắt lỗ hoặc cắt giảm danh mục. Hành động này diễn ra mạnh đúng vào lúc dòng tiền mua rất kém. Kết quả tất yếu là cổ phiếu rớt giá càng nhanh. HoSE kết phiên hôm nay ghi nhận 13 mã giảm sàn, 150 mã giảm trên 2% và 60 mã giảm trong biên độ 1%-2%.
Độ rộng của VN-Index là 66 mã tăng/371 mã giảm. So với tương quan phiên sáng, mặt bằng giá còn thấp hơn khi tính số lượng mã giảm từ 1% trở lên, đặc biệt buổi sáng mới có 3 mã giảm sàn. Tuy vậy, điểm số chốt lại khá hơn, VN-Index giảm 18,31 điểm (cuối phiên sáng giảm 19,81 điểm). Lý do là một số mã lớn được kéo lên chút ít trong đợt đóng cửa.
VHM là cổ phiếu đáng kể nhất: Chốt đợt khớp lệnh liên tục chỉ có giá 39.450 đồng, giảm 3,9% so với tham chiếu. Đột nhiên đợt ATC có giao dịch tới gần 1,7 triệu cổ và giá nhảy vọt lên 40.900 đồng, tức là thay đổi +3,68% trong một lần giao dịch, thu hẹp mức giảm so với tham chiếu còn -0,24%. VIC cũng có cú nhảy từ 52.200 đồng lên 52.500 đồng, còn giảm 0,76% so với tham chiếu. VCB nhảy từ 92.300 đồng lên 92.800 đồng, còn giảm 0,75%. BID từ 44.000 đồng lên 44.250 đồng, còn giảm 0,78%.
VN30-Index đóng cửa giảm 1,84% với 2 mã tăng/27 mã giảm, trong đó 19 cổ phiếu giảm trên 1%. Hai mã tăng ngược dòng là VJC tăng 2,39% và VNM tăng 0,67%. VJC tăng khá bất ngờ vì chỉ riêng đợt ATC đã tăng 2,5% chỉ với giao dịch 6.000 cổ phiếu. Đã có lệnh mua lợi dụng cung cầu quá yếu ở đợt này và thay đổi giá đóng cửa dễ dàng. Nhóm blue-chips rơi sâu nhất là MSN giảm 6,98%, NVL giảm 5,7%, SSI giảm 3,95%, MWG giảm 3,8%, HPG giảm 3,37%, HDB giảm 3,43%, PDR giảm 3,32%.
Nhóm cổ phiếu vật liệu và chứng khoán giảm cực mạnh buổi chiều, dù không có mã nào sàn ngoài POM. Cổ phiếu thép ngoài HPG còn có NKG giảm 5,33%, HSG giảm 5,26%, VGS giảm 5,6%. Cổ phiếu xi măng có BCC giảm 6,56%, BTS giảm 4,55%, FCM giảm 6,16%, HT1 giảm 2,66%, TEG giảm 3,52%. Cổ phiếu chứng khoán có nhóm chủ lực giảm mạnh là SSI giảm 3,95%, HCM giảm 5,21%, VND giảm 4,29%, VCI giảm 4,55%, MBS giảm 5,19%, FTS giảm 4,89%, CTS giảm 6,15%...
Khối ngoại chiều nay tăng bán dữ dội thêm 1.010,2 tỷ đồng nữa trên HoSE, nhưng chỉ mua thêm 656,2 tỷ đồng. Giao dịch lớn đẩy vị thế ròng cả ngày lên -658,2 tỷ đồng. Khối này xả mạnh cổ phiếu tài chính và bất động sản: VHM -76 tỷ, SSI -75 tỷ, STB -71,7 tỷ, DXG -53,3 tỷ, VND -26,9 tỷ, NVL -25,9 tỷ, VCB -25 tỷ. Ngoài ra HPG, MSN cũng bị xả nhiều, cộng thêm chứng chỉ quỹ FUEVFVND -168,4 tỷ và FUESSVFL -21,9 tỷ. Phía mua ròng chỉ có VNM +34,6 tỷ và POW +21,2 tỷ là đáng kể.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh liên tục với cổ phiếu sàn HoSE đã sang phiên thứ 10 liên tục. Tuần trước chỉ riêng cổ phiếu đã bị rút đi 1.410 tỷ đồng ròng. Tính từ giữa tháng 2 đến nay, tổng giá trị bán ròng trên HoSE lên tới trên 2.550 tỷ đồng. Đợt bán ròng khá mạnh của khối ngoại lại diễn ra trong bối cảnh thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn và dòng tiền trong nước còn yếu. Bất ngờ là nhà đầu tư cá nhân trong nước đã chuyển sang vị thế đối lập, đang mua vào hơn 2.000 tỷ đồng trong tuần trước. Điểm khá thú vị là giao dịch của cá nhân dường như đối lập với khối ngoại, khi vốn ngoại mua ròng liên tục và tạo đáy cho thị trường thì cá nhân lại bán ra ròng rã. Khi thị trường đạt đỉnh và đi xuống, dòng tiền cá nhân lại mua vào liên tục trong khi khối ngoại xả.