VND tiếp tục tăng giá so với USD
Năm 2020, VND đã tăng giá 0,33% so với cuối năm 2019, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp tăng giá so với USD
Ngày 31/12/2020, giá USD trên liên ngân hàng đóng cửa tại 23.100 VND, thấp nhất trong vài năm trở lại đây.
Mốc 23.100 VND cũng là kết quả của chuỗi giảm khá mạnh kể từ cuối tháng 3/2020 đến nay. Tính chung, năm 2020, VND đã tăng giá 0,33% so với cuối năm 2019, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp tăng giá so với USD.
Diễn biến trên được chú ý trong bối cảnh cùng ngày, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước bất ngờ thay đổi chính sách tỷ giá sau khi Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.
Cụ thể, cơ quan này đã để “khuyết” tỷ giá mua vào ngoại tệ và ngừng mua ngoại tệ giao ngay, đồng thời thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có huỷ ngang ở tỷ giá 23.125 VND/USD.
Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang 1 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, so với việc niêm yết tỷ giá giao ngay trước đây, phương án mua kỳ hạn sẽ khiến các ngân hàng thương mại chịu gánh nặng rủi ro ngoại hối lớn hơn và Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp ít hơn vào thị trường ngoại hối.
“Hiện USD vẫn nằm trong xu hướng giảm giá, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước cho phép VND biến động một cách tự do hơn theo diễn biến thị trường và giảm bớt sự can thiệp hàng ngày, và tất cả điều này có thể giúp VND tăng giá nhẹ so với USD trong năm 2021”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định,
Trái với thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ lại khá bình lặng trong những ngày cuối năm. Trong đó, thị trường mở không có giao dịch và lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0.19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0.295%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Tính chung cả năm 2020, Ngân hàng Nhà nước không bơm/hút ròng trên thị trường mở nhưng một lượng tiền đồng lớn được bơm vào thị trường thông qua hoạt động mua vào ngoại tệ. Nếu dự trữ ngoại hối cuối năm 2020 đạt 100 tỷ USD theo ước tính của Chính phủ thì lượng bơm tiền ròng từ Ngân hàng Nhà nước tăng thêm khoảng 13% so với cùng kỳ 2020.
Mặc dù tín dụng tăng tốc mạnh trong tháng 12 nhưng thanh khoản các ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiền gửi hầu như không đổi, thậm chí một số ngân hàng còn giảm 10-20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn. Tính chung cả năm 2020, lãi suất tiền gửi đã giảm 1,5-3%/năm ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất cho vay cũng giảm 0,5-2,5%/năm và đều đang ở vùng thấp lịch sử.
“Tăng trưởng tín dụng năm 2020 có thể đạt 12% và 13-14% trong năm 2021 nhờ nền kinh tế phục hồi, sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn”, SSI dự báo.
Tại thị trường trái phiếu chính phủ tuần cuối năm, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6 nghìn tỷ đồng ở 4 kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm, lượng đăng ký gấp 2,3 lần với vùng lãi suất đăng ký tương đương tuần trước đó nhưng không có trái phiếu nào được phát hành. Chỉ có 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được phát hành ở lãi suất 2,9%/ năm – cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn 40 điểm cơ bản.
Tính chung cả năm 2020, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng gần 324 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch phát hành cả năm. Lãi suất trúng thầu bình quân và kỳ hạn trái phiếu phát hành bình quân lần lượt là 2,83%/năm và 13,9 năm – so với mức 4,6%/năm và 13,6 năm của năm 2019.
Lượng phát hành ròng (phát hành – đáo hạn) năm 2020 ước khoảng 219 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần phát hành ròng năm 2019. Lượng trái phiếu chính phủ lưu hành ước khoảng 1,17 triệu tỷ đồng, tương đương 14,7% GDP.