Vốn tín dụng chính sách tiếp sức hơn 4.500 học sinh nghèo tại Thanh Hóa đến trường
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo nguồn lực quan trọng cho địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...
Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức, kiểm tra giám sát tình hình hoạt động tín dụng chính sách xã hội do ngân hàng thực hiện trên địa bàn tỉnh này.
Theo báo cáo, năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung ưu tiên nguồn vốn uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch theo Nghị quyết 11, thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đạt 14.423 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt hơn 14.388 tỷ đồng với gần 251 nghìn hộ nghèo các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.
Năm 2023 và trong 7 tháng đầu năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 37 nghìn lao động, trong đó hơn 931 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 350 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 4.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 98.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; 811 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo nguồn lực quan trọng cho địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho rằng nguồn vốn uỷ thác từ một số huyện, thị xã sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, kinh tế và điều kiện của địa phương. Chất lượng tín dụng tại một số địa phương chưa đồng đều, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao hơn so với bình quân chung của tỉnh…
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng, ông Thi đề nghị Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý kịp thời hơn nữa đối với các khoản vay đủ điều kiện xử lý nợ bị rủi ro. Quan tâm, đề xuất, kiến nghị đến Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét, ban hành chương trình cho vay đối với những hộ có mức sống trung bình để sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế tại địa phương.
Ban hành chính sách đối với hộ nghèo làm nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được vay vốn ưu đãi. Tiếp tục bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo…