Vốn Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam: Thận trọng nhưng không nên bài xích
"Phải có đánh giá khách quan, thận trọng nhưng cũng không nên bài xích"
Dòng vốn của Trung Quốc chảy vào Việt Nam trong những năm gần đây liên tiếp xáo trộn về vị trí xếp hạng, có lúc tụt xuống thứ hai, thứ ba sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore nhưng xét về tổng thể, tốc độ rót vốn và số lượng vốn vẫn tăng mạnh.
VỐN TRUNG QUỐC VÀO VIỆT NAM VÀ CUỘC ĐUA VỊ TRÍ SỐ 1
Năm 2019 đánh dấu là năm đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới vào Việt Nam từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu sau nhiều năm ở vị trí 7,8. Cụ thể, chu kỳ 5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ của năm 2018.
5 tháng đầu năm 2020, vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1,27 tỷ USD, nhưng vẫn xếp ở vị trí thứ 3 các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, sau Singapore và Thái Lan. Nếu xét theo số lượng dự án, Trung Quốc vẫn đứng ở vị trí thứ hai với tổng 176 dự án, chỉ sau Hàn Quốc.
10 tháng năm 2020, Trung Quốc vẫn ở vị trí thứ 3 các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 2,1 tỷ USD.
Luỹ kế đến tháng 10/2020, Trung Quốc rót tổng cộng 18 tỷ USD vào Việt Nam với khoảng 3.087 dự án. So với thời điểm năm 2015, dòng vốn Trung Quốc đã tăng gấp đôi, năm 2015, các nhà đầu tư Trung Quốc rót 10 tỷ USD vào Việt Nam.
FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước.
Tại các khu công nghiệp, 9 tháng năm 2020, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án, chiếm tỷ lệ 20%, với tổng giá trị 300 triệu USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Có nhiều lý do giải thích dòng vốn Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam trong hai năm gần đây, trong đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung manh nha từ những năm trước đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc rời bỏ thị trường này tìm kiếm đến các vùng lân cận như Việt Nam nhằm né thuế suất của Mỹ.
Ngoài lợi thế lao động giá rẻ, văn hoá kinh doanh có nhiều điểm tương đồng, thì việc xuất khẩu từ Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhờ tham gia các FTA như EVFTA, CPTPP… cũng thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc chuyển đến Việt Nam đầu tư.
THẬN TRỌNG NHƯNG CŨNG ĐỪNG BÀI XÍCH
Rõ ràng không thể loại trừ nguy cơ việc một số nhà đầu tư Trung Quốc đưa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để chế tạo hàng hóa, sau đó xuất sang Mỹ để tránh thuế. Các chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) lo ngại, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh phải thận trọng vì nguyên tắc trong kinh doanh tập trung luôn tạo ra độ rủi ro nhất định. Do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên dòng vốn từ Trung Quốc tăng mạnh song dòng vốn này có thể đảo chiều, không loại trừ một lúc nào đó nhà đầu tư nước ngoài vì sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của họ hay do khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
“Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững đón nhận dòng vốn FDI tăng "điều hoà" từ năm này qua năm khác, không lệ thuộc vào sự phát triển ồ ạt của các doanh nghiệp FDI”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam (Vafie) cho rằng, phải có đánh giá khách quan, thận trọng nhưng cũng không nên bài xích.
Phải thừa nhận có những dự án chất lượng kém, thâm dụng lao động cao, Trung Quốc chủ yếu đưa người của họ vào các dự án tại Việt Nam nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều dự án chất lượng tốt, đặc biệt ở lĩnh vực năng lượng.
“Khi chúng tôi đến làm việc với các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hiệp hội cũng nói rõ Trung Quốc phải lấy lại hình ảnh trong con mắt Việt Nam, trước đây hàng hoá máy móc thiết bị của Trung Quốc sang Việt Nam rất tốt. Công nghệ của họ tiên tiến. Với những công nghệ chất lượng cao, tiên tiến như thế thì Việt Nam hoàn toàn hoan nghênh, không nên phân biệt”, ông Toàn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Toàn, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài đặt trọng tâm Việt Nam thu hút dự án chất lượng, hiệu quả, có sự gắn kết các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị. Phía Trung Quốc cũng nắm rõ điều này. “Tôi tin rằng các nhà đầu tư Trung Quốc họ cũng biết chuyện đấy nên cũng có bước đi phù hợp nếu như muốn đầu tư sâu nhiều hơn vào Việt Nam”, ông Toàn nói.
Mặc dù vậy, theo ông Hiếu, Việt Nam phải hết sức bình tĩnh trong việc chọn lọc các nhà đầu tư hiện nay. Chúng ta đừng số lượng mà bao nhiêu cũng chấp nhận, mà phải có chiến lược về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với những tiêu chí rõ ràng.