VPBank tham vọng giành ngôi số 1 về vốn điều lệ trong ngành ngân hàng
VPBank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng ngay trong năm 2022. Đây là kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng, nhiều khả năng sẽ là mức vốn điều lệ cao nhất trong ngành...
Tại đại hội cổ đông vừa qua (29/4), ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank đã tuyên bố ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng ngay trong năm 2022.
Đây là kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng. Nhiều khả năng đây là mức vốn điều lệ cao nhất trong ngành, vượt xa cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV...
Tính đến cuối quý 1/2021, vốn chủ sở hữu của VPBank đạt gần 56.000 tỷ đồng.
Con số này được dự kiến sẽ đạt 90.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021, dựa vào một số nguồn thu trong năm, bao gồm: bán 50% vốn tại FE Credit, lợi nhuận năm 2021 và cơ hội gia tăng nguồn thu đến từ bảo hiểm. VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận là hơn 16.600 tỷ đồng nhưng HĐQT cũng đang áp lực lên Ban điều hành để vượt mục tiêu này.
"Với lượng vốn như vậy, năm 2022, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng", ông Dũng cho biết.
Mặc dù đã có một số nguồn tăng vốn khá lớn nhưng chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết VPBank vẫn đang lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Với mức room hiện đạt khoảng 22,77% vào thời điểm này, VPBank cho biết vẫn đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục phát hành cổ phiếu, huy động vốn cho ngân hàng, và lên kế hoạch thực hiện ngay trong năm nay bằng việc phát hành riêng lẻ hoặc sử dụng lượng cổ phiếu quỹ hiện có (75 triệu cổ phiếu).
Một ngày trước đại hội cổ đông, VPBank tuyên bố đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng 49% vốn FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản - SMBC và 1% cho Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC). Đối tác đến từ Nhật Bản này định giá FE Credit ở mức 2,8 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc VPBank có thể thu về 1,4 tỷ USD thông qua thương vụ chuyển nhượng cổ phần ở FE Credit, tương đương với hơn 32.000 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, sau khi bán FE Credit, CAR của ngân hàng sẽ vượt 20%, từ mức 11,9% cuối quý 1 năm 2021.
"Ban lãnh đạo sẽ phải tìm hướng để tận dụng nguồn vốn, mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các mảng mới", đại diện VPBank chia sẻ.
Cùng với việc đón nhận nguồn vốn dồi dào, VPBank cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực mà trước đó ngân hàng đã tính tới nhưng chưa triển khai.
Ngân hàng có thể mở rộng kinh doanh ở các mảng như Investment Banking, Wealth Management,…những mảng mà 5 năm trước VPBank tạm thời đặt sang một bên để tập trung vào chiến lược bán lẻ.
"Khả năng năm 2021 hoặc 2 năm đầu sau khi chuyển nhượng vốn, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể giảm một chút hoặc không tăng nhưng về dài hạn lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng, FE Credit vẫn là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng", đại diện lãnh đạo VPBank khẳng định tại đại hội.
Cùng với việc tăng vốn, kế hoạch kinh doanh trong năm 2021 của VPBank cũng được đặt ra đầy tham vọng. Tỷ lệ huy động được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 19,2%, đạt hơn 353 nghìn tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6%, đạt mức hơn 376 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 27,9%, đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng và tổng tài sản sẽ tăng 17,5%, đạt mức hơn 492 nghìn tỷ đồng.