Vụ án Trịnh Văn Quyết: Làm rõ khối tài sản bị kê biên
Cơ quan điều tra đã kê biên nhà đất, tạm dừng biến động tài sản (cổ phần, vốn góp, cổ phiếu) của cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC...
TAND TP Hà Nội đang xét xử với 50 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Faros.
Bị cáo buộc về 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán, tại tòa ngày 23/7, ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) nói “tôn trọng cáo trạng truy tố”. Ông Quyết thừa nhận chỉ đạo ông Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đang bị truy nã - PV) mua lại Công ty Green Belt – tiền thân của Công ty Faros, mua với giá bao nhiêu, ông Quyết không nhớ.
Quá trình khai báo, ông Quyết khẳng định chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Ông Quyết khẳng định việc mua lại doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp là để làm về lĩnh vực xây dựng. “Bị cáo luôn mong muốn có một công ty xây dựng để làm xây dựng cho Tập đoàn FLC. Nếu phát triển hơn nữa thì làm xây dựng cho các công ty ngoài hệ thống FLC”, ông Quyết nói.
“Hành vi của bị cáo như nào, cáo trạng đã mô tả. Bị cáo chấp nhận mọi phán quyết của Hội đồng xét xử”, ông Quyết khai báo.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản là nhà đất của ông Quyết gồm diện tích 799,6m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, TP Hà Nội; 199,9m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên 4 nhà đất ở quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị kê biên 2 diện tích nhà đất ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị UBCKNN phong tỏa đối với 500 tài khoản chứng khoán bị cáo Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp quản lý, sử dụng với số tiền dư trong tài khoản là hơn 7,6 tỷ đồng; số dư chứng khoán 243.107.532 cổ phiếu.
Cơ quan điều tra Bộ Công an có công văn gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước rà soát ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên các cá nhân gồm Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung và 45 cá nhân cho Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.
Cơ quan điều tra có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp…) với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Lê Thị Ngọc Diệp.
Trong đó, Trịnh Văn Quyết có 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…
Có mặt tại tòa, vợ ông Quyết cho biết, bà tôn trọng nội dung kết luận của cáo trạng kê biên, phong tỏa tài sản liên quan đến 2 vợ chồng và đề nghị tòa án xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện có một căn biệt thự của vợ chồng ông Quyết đang thế chấp tại ngân hàng và đã bị cơ quan điều tra phong tỏa. Ngân hàng này đề nghị nếu cơ quan đã kê biên thì tòa án tuyên buộc vợ chồng bị cáo Quyết phải trả số tiền vay cho ngân hàng.
Đại diện Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn FLC không có quan hệ trực tiếp với Công ty Faros. Tập đoàn FLC không sử dụng các khoản tiền mà Công ty Faros thu được của các nhà đầu tư. Đối với những tài sản đã bị thu giữ trong quá trình điều tra, Tập đoàn FLC tôn trọng và chấp nhận các phán quyết của tòa án.
Đại diện Công ty Faros cho biết, Công ty Faros đã được tiếp cận các tài liệu liên quan đến vụ án. Công ty Faros tôn trọng các kết luận như cáo trạng của Viện KSND tối cao đã xác định. Đại diện Công ty Faros cho biết thêm, giá trị của các cổ phiếu ROS vẫn còn giá trị, chỉ bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán.
Chiều nay, tòa án đã hỏi bị hại, người liên quan, tuy nhiên chỉ một người có ý kiến. Đó là nhà đầu tư Lê Ngọc Nông (SN 1978, ở Đà Nẵng). Ông Nông trình bày bản thân vừa là bị hại, vừa là người liên quan. Nhà đầu tư này đã mua mã cổ phiếu ROS trong giai đoạn 2017-2022. Số cổ phiếu ông còn nắm giữ hiện nay là hơn 667.000 cổ phiếu. Ông Nông đề nghị tòa án trả lại quyền lợi công bằng cho nhà đầu tư, ông mong muốn nhận lại tiền bỏ ra, được lấy lại vật chất cả tinh thần.
Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã thực hiện hành vi bán 391.155.480 cổ phiếu khống, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Ở tội Thao túng thị trường chứng khoán, Viện kiểm sát cáo buộc các bị cáo thao túng 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART để thu lời bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng.