Vụ giám đốc bệnh viện “chạy án”: Vì sao tịch thu hơn 60 tỷ đồng?
Luật sư cho rằng đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quân bị xác định là người bị hại, bị chiếm đoạt 1,05 triệu USD, nên việc trả lại tiền bị chiếm đoạt cho người bị hại là đúng quy định. Song tòa án không chấp nhận...
Ngày 17/9, sau 1 ngày xét xử, tòa án đã tuyên án đối với 6 bị cáo trong vụ án lừa chạy án liên quan đến giám đốc Bệnh viện Thủ Đức.
HÌNH PHẠT NGHIÊM KHẮC
Tòa án xử phạt bị cáo Bùi Trung Kiên (SN 1980, cựu cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03, Bộ Công an) mức án 9 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhóm tội Môi giới hối lộ, bị cáo Lê Thanh An (SN 1976, cựu cán bộ phòng 5, C03, Bộ Công an) lĩnh mức án 6 năm tù; Trần Văn Long (SN 1976, cựu TGĐ Công ty cổ phần truyền thông Du Lịch Việt) 3 năm tù;
Nguyễn Ngọc Triệu (SN 1973, nguyên Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Thượng tọa Thích Đồng Huệ, Trụ trì Chùa Nôm, đã có Quyết định hoàn tục và thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam) 5 năm tù;
Bùi Thị Hồng Giang (SN 1975, cựu Giám đốc Công ty Luật TNHH Bùi Gia và cộng sự) và Hà Duy Tuấn (SN 1985, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty cổ phần đầu tư Long Thịnh) cùng nhận 9 năm tù.
Tòa án nhận định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tổ chức Nhà nước, gây nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo đều có năng lực, hiểu biết về pháp luật, nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội nên cần có hình phạt nghiêm mới đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng xét đến nhiều tình tiết giảm nhẹ tội cho các bị cáo như có nhiều thành tích trong công tác, hoàn cảnh khó khăn…
Quá trình xét hỏi làm rõ, đầu năm 2021, khi C03 xác minh các hoạt động liên quan đấu thầu ở Bệnh viện Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Quân (khi đó là Giám đốc Bệnh viện) lo sợ bị phát hiện ra các sai phạm nên đã liên hệ nhờ Bùi Trung Kiên “chạy án” giúp. Kiên đồng ý giúp đỡ ông Quân và Nguyễn Văn Lợi (đang bị xác minh cùng vụ án với ông Quân) để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “giá” 2,2 triệu USD và Kiên đã nhận đủ số tiền này.
Tháng 5/2021, thấy C03 vẫn kiểm tra quyết liệt, Kiên bị ông Quân đòi lại tiền. Kiên đã trả 1,15 triệu USD, còn chiếm đoạt 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỷ đồng).
Sau đó, ông Quân tiếp tục nhờ một người bạn kết nối đến gặp Trần Văn Long, sau đó lại được giới thiệu đến nhờ Bùi Thị Hồng Giang tư vấn pháp lý. Ông Quân và Giang ký hợp đồng "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp" với chi phí 1,2 tỷ đồng. Ký xong hợp đồng, ông Quân lại nhờ Giang tìm cách “chạy án” giúp và được Giang nhận lời. Cuối tháng 5/2021, ông Quân hai lần đưa cho Giang 120.000 USD.
Sau đó, Giang nhờ Lê Thanh An tác động giúp ông Quân. Đầu tháng 7/2021, An gọi thông báo đã tìm được người giúp ông Quân để thoát trách nhiệm hình sự, nhưng không nói rõ chi phí. Vài ngày sau, theo đề nghị của An, Giang và Long nhận 1,5 triệu USD của ông Quân và chuyển hết cho An.
An nhờ Hà Duy Tuấn đi “lo lót” giúp. Sau đó, bị cáo Tuấn cầm 970.000 USD đến nhờ bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu giúp đỡ. Bị cáo Triệu nhận lời và lại đi nhờ một người khác giúp đỡ ông Quân song không được.
Cáo trạng kết luận, từ tháng 3/2021 đến tháng 7/2021, ông Quân đã nhiều lần đưa cho Kiên, Giang và Long 2,67 triệu USD (tương đương gần 60 tỷ đồng) để chạy án, song không thành.
TRANH CÃI TIỀN “CHẠY ÁN” BỊ TỊCH THU
Tại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Minh Quân (nguyên Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) cho rằng, trong vụ án này, ông Quân được xác định là người bị hại.
Vì vậy, việc đại diện Viện kiểm sát đề nghị tịch thu số tiền 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỷ đồng) mà bị cáo Bùi Trung Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt của ông Quân là không xác đáng.
Đối đáp lại nội dung này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, ông Quân không bị xem xét tội Đưa hối lộ nhưng bị đề nghị tịch thu toàn bộ số tiền đưa hối lộ sung công quỹ Nhà nước là đúng quy định của pháp luật.
Theo đại diện Viện kiểm sát, việc không xem xét ông Quân tội Đưa hối lộ đã là chính sách khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng, trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố hai hành vi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và môi giới hối lộ. Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quân bị xác định là người bị hại, bị chiếm đoạt 1,05 triệu USD, nên việc trả lại tiền bị chiếm đoạt cho người bị hại là đúng quy định.
“Lừa đảo có người bị hại thì tiền phải trả lại cho người bị hại. Nếu ông Quân nhận được bản án mà phán quyết tịch thu số tiền ông bị lừa đảo, chắc chắn ông Quân sẽ kháng cáo”, lời vị luật sư.
Đại diện Viện kiểm sát tiếp tục đưa ra quan điểm, về nguyên tắc tiền bị lừa đảo chiếm đoạt sẽ được trả cho người bị hại, nhưng vụ án này hành vi không giống như các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.
Về số tiền ông Quân dùng để "chạy án", tòa án tuyên buộc tịch thu sung công hơn 60 tỷ đồng.