Vụ trục lợi bảo hiểm xã hội tại Đồng Nai: Tạm dừng hợp đồng 4 phòng khám
Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc thống nhất tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 4 phòng khám tư nhân tại TP. Biên Hòa, do liên quan đến vụ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc khống để trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 4/6 cho biết, cơ quan này vừa có Công văn số 1623/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế về việc vi phạm trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tại tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với 6 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đúng quy định như: Người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, bác sĩ không đi làm tại Phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Trong đó sự việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của 6 phòng khám đa khoa tại tỉnh Đồng Nai từ tháng 5/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện và chuyển Công an tỉnh Đồng Nai.
Để đảm bảo việc tuân thủ thực thi chính sách pháp luật theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế và nghiêm cấm các hành vi trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh được xác định có hành vi trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, giao cho Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 23 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ,...).
Nhằm xử lý nghiêm vi phạm vụ việc ở Đồng Nai, ngày 3/6, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc thống nhất tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 4 phòng khám tư nhân tại TP. Biên Hòa. Các đơn vị này bao ồm: Phòng khám đa khoa Tân Long, Long Bình Tân (phường Long Bình Tân); Tam Đức (phường Tân Hiệp) và Phòng khám đa khoa Quốc tế Mỹ Đức (phường Long Bình) do liên quan đến vụ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc khống để trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Thời gian thực hiện từ ngày 3/6 cho đến khi Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có văn bản, thông báo mới căn cứ theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của các phòng khám nêu trên.
Nhằm khắc phục tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các giải pháp mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Qua đó, để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có các quy định về hành vi và chế tài xử lý đối với các hành vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ tham gia, hồ sơ thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu, các phần mềm giải quyết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các
hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, đánh giá và kiến nghị bổ sung hoặc tăng chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.