"Vượt bão Covid-19”, ngành thép lập “kỳ tích” xuất khẩu

Mạnh Đức
Chia sẻ

Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử của ngành thép Việt Nam. Lần đầu tiên, xuất khẩu vượt mốc 10 tỷ USD, và cũng lần đầu tiên xuất siêu sau nhiều năm chỉ biết đến nhập siêu. Đây có thể được coi là “kỳ tích” trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị “đông cứng” nhiều tháng do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Kết quả này sẽ “tiếp thêm lửa” cho ngành thép “bùng cháy” hơn nữa trong năm 2022.

Năm 2021, lần đầu tiên ngành thép có xuất siêu.
Năm 2021, lần đầu tiên ngành thép có xuất siêu.

Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại đạt 11,748 tỷ USD, tăng 123,4% và nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, ngành thép xuất siêu 248 triệu USD.

Năm 2021 là một năm đầy biến động của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã thay đổi hầu hết các kịch bản kinh tế cũng như đảo lộn các dự báo triển vọng ngành sản xuất trong nước, trong đó có ngành thép.

Ngay từ những tháng đầu năm, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, ngành thép trong nước sẽ có một năm khó khăn trước sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước, thép nhập khẩu từ nước ngoài; việc siết chặt tín dụng cho vay đối với thị trường bất động sản trong nước và các công trình xây dựng chậm tiến độ.

BỨT PHÁ NGOẠN MỤC

Đại dịch Covid-19 đã khiến áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc giảm đáng kể, thậm chí xuất khẩu vào thị trường này còn tăng đột biến do nhu cầu tiêu thụ nội địa của quốc gia này tăng mạnh, trong khi nguồn cung chưa thể gia tăng ngay để đáp ứng.

Đặc biệt, lần đầu tiên, sau nhiều năm, nhu cầu thép toàn cầu không còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhu cầu thép tăng cao nên các doanh nghiệp thép Việt Nam đã cố gắng tận dụng cơ hội từ kênh xuất khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn tuột mất cả tỷ USD vì dịch bệnh, thì sắt thép là ngành sản xuất có tốc độ phục hồi mạnh nhất. Xuất khẩu sắt thép tăng ngay từ quý 1/2021 và tiếp tục khởi sắc trong những tháng tiếp theo. 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép đạt gần 4,9 triệu tấn, tương đương 3,6 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia, trong đó thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ và Trung Quốc.

Tới hết tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu thép tăng lên gần 9,7 triệu tấn, tương đương gần 8,7 tỷ USD. Sau 11 tháng, tổng lượng xuất khẩu sắt thép các loại của cả nước là 12,2 triệu tấn, trị giá đạt 10,84 tỷ USD, tăng 36,8% về lượng và tăng mạnh 130,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là: ASEAN đạt 3,49 triệu tấn, giảm 8%; Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn, giảm 20,1%; EU đạt 1,71 triệu tấn, tăng gấp 7 lần; Hoa Kỳ đạt 916 nghìn tấn, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, mặt hàng sắt thép chính thức gia nhập vào Câu lạc bộ các mặt hàng xuất khẩu có trị giá trên 10 tỷ USD.

 "Vượt bão Covid-19”, ngành thép lập “kỳ tích” xuất khẩu - Ảnh 1

Dự báo về triển vọng xuất khẩu thép năm 2022, báo cáo của Công ty Chứng khoán VietcomBank (VCBS) đã đưa ra nhận định, Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ nước này. Việc này mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.

Còn với thị trường châu Âu, các biện pháp tự vệ như áp dụng quota khiến các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào châu Âu thời gian ngắn khó tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Về giá, hiện giá thép sản xuất của doanh nghiệp Việt khá cạnh tranh do các nhà sản xuất tự chủ được nguồn cung thép cuộn cán nóng (HRC).

Với Hoa Kỳ, vào ngày 15/11/2021, gói đầu tư 1.200 tỷ USD dành cho cơ sở hạ tầng đã được Tổng thống Hoa Kỳ phê chuẩn, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ kể từ Đạo luật Đường cao tốc Viện trợ Liên bang năm 1956.

Đồng thời, nhu cầu thép thế giới đã tăng đáng kể từ quý 1/2021 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tối thiểu đến hết nửa đầu năm 2022, qua đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.

Mặt khác, việc Chính phủ Ấn Độ thông báo khởi động kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.350 tỷ USD vào đầu tháng 8/2021 cũng mở ra cơ hội cho xuất khẩu thép của Việt Nam.

“ÁM ẢNH” VỚI PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu, thép là một trong những mặt hàng bị nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2021, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng hơn 20%/năm, trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm 12%/năm. Đặc biệt, hai năm qua, ngành thép Việt Nam vẫn có những bước bứt phá ngoạn mục.

Hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ…

Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Từ năm 2004 đến tháng 10/2021, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép xuất khẩu Việt Nam là 66 vụ, thậm chí, có nhiều vụ việc thép bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.

Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh...

Nhìn nhận vấn đề này, tại tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững”, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký và thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do, điều này đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

10 năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng mạnh.

 "Vượt bão Covid-19”, ngành thép lập “kỳ tích” xuất khẩu - Ảnh 2

Trong giai đoạn đầu khi đối mặt với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp sản xuất thép gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do nhận thức về phòng vệ thương mại còn hạn chế, năng lực để tham gia kháng kiện yếu, mức độ hiểu biết về các biện pháp này của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ... Tuy nhiên, tình trạng này đã dần được cải thiện trong 5 năm gần đây.

Mặc dù năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của doanh nghiệp thép đã được cải thiện, song ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng giai đoạn tới, nguy cơ và rủi ro kiện phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này còn rất lớn do xu thế bảo hộ gia tăng và lan rộng ra nhiều thị trường.

Do đó, doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, phân tán rủi ro phòng vệ thương mại ở một số thị trường.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nhấn mạnh, phòng vệ thương mại là lĩnh vực rất phức tạp, do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hạn chế tình trạng tăng xuất khẩu đột biến sang một thị trường, đồng thời lưu trữ tốt hồ sơ về quá trình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đó với từng thị trường để chủ động ứng phó khi có tình huống không mong muốn xảy ra. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý xu thế gia tăng bảo hộ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại, trong thời gian qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”, với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con