WHO cảnh báo nguy cơ chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên
Ngày 25/4, dựa trên dữ liệu khảo sát từ 280.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 11, 13 và 15 ở Châu Âu, Trung Á và Canada, WHO đã cho thấy một “bức tranh đáng lo ngại” về việc sử dụng chất kích thích trong giới trẻ…
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Hậu quả lâu dài của những xu hướng này là rất đáng kể, và các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua những phát hiện đáng báo động này”. Theo đó, báo cáo cho thấy 57% thanh niên 15 tuổi đã uống rượu ít nhất một lần. Đối với nữ, con số này là 59%, so với 56% ở nam. WHO lưu ý rằng việc uống rượu nói chung đã giảm ở các bé trai trong khi lại tăng lên ở các bé gái.
WHO Châu Âu – nơi tập hợp 53 quốc gia, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á, cho biết: “Những phát hiện này nêu bật mức độ sẵn có và bình thường hóa của rượu, cho thấy nhu cầu cấp thiết về các biện pháp chính sách tốt hơn để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi tác hại do rượu gây ra”. Ngoài ra, 9% thanh thiếu niên cho biết đã từng “say rượu nặng” ít nhất 2 lần/tuần. WHO cho biết tỷ lệ này tăng từ 5% ở độ tuổi 13, và lên 20% ở độ tuổi 15, “chứng tỏ xu hướng lạm dụng rượu ngày càng gia tăng trong giới trẻ”.
Báo cáo cũng cho thấy thói quen hút thuốc lá điện tử cũng gia tăng trong thanh thiếu niên. Trong khi thói quen hút thuốc đang giảm, với 13% số thanh thiếu niên độ tuổi 11 - 15 hút thuốc vào năm 2022, giảm 2% so với gần 4 năm trước, WHO phát hiện có nhiều thanh thiếu niên chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Khoảng 32% trong số nam sinh 15 tuổi đang hút thuốc lá điện tử và 20% thừa nhận từng hút một lần trong vòng 30 ngày gần nhất.
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO - Hans Kluge - cho biết trong một tuyên bố: “Việc sử dụng rộng rãi các chất có hại ở trẻ em tại nhiều quốc gia trên khắp khu vực Châu Âu - và hơn thế nữa - là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng”. Ông Kluge kêu gọi tăng thuế, hạn chế về tính sẵn có và quảng cáo, cũng như lệnh cấm các chất tạo hương liệu: “Tham gia vào các hành vi có nguy cơ cao trong những năm thiếu niên có thể hình thành hành vi của người trưởng thành, trong đó việc sử dụng chất kích thích khi còn nhỏ có liên quan đến nguy cơ nghiện cao hơn. Hậu quả là phải trả giá đắt cho họ và xã hội”.
Được WHO tiến hành 4 năm một lần, cuộc khảo sát HBSC (Hành vi sức khỏe ở trẻ em trong độ tuổi đi học) kiểm tra hành vi sức khỏe của trẻ em 11, 13 và 15 tuổi và bao gồm một phần về sử dụng chất gây nghiện.
Trước đó, từ cuối năm 2023, Đan Mạch sẽ cấm hoàn toàn việc bán đồ uống có nồng độ cồn trên 6% đối với thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi để ứng phó với tình trạng kể trên. Ngoài ra, mức thuế đối với sản phẩm thuốc lá dạng gói sẽ được tăng gấp đôi, lên mức trung bình 1,6 euro, tương đương với giá bao thuốc lá thông thường. Bộ Nội vụ và Y tế cũng sẽ cấm cung cấp sản phẩm có mùi thơm và hương vị dễ gây nghiện đối với các sản phẩm thay thế thuốc lá, theo AFP.
Năm 2019, một nghiên cứu của Dự án khảo sát trường học châu Âu về rượu và ma túy (ESPAD) nhận định những loại đồ uống chứa cồn nhìn chung đều gây tác hại đến sức khỏe. Việc bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi làm tăng nguy cơ nghiện lâu dài, khiến người uống dễ gặp những tai nạn liên quan đến rượu và ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định.
Theo thời gian, việc uống quá nhiều rượu sẽ gây tổn thương tế bào não. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi và tổn hại lâu dài đến trí nhớ cũng như khả năng phán đoán. Thanh, thiếu niên uống rượu thường có xu hướng học kém và gặp rắc rối vì những hành vi thiếu kiểm soát. Uống rượu ở tuổi dậy thì cũng có thể làm thay đổi hormone trong cơ thể, gây gián đoạn sự tăng trưởng và tuổi dậy thì.
Bên cạnh đó, 3 luận điểm sai trái về thuốc lá thế hệ mới đang lan truyền trong giới trẻ đó là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng an toàn hơn thuốc lá truyền thống; Là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống và là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới người trẻ.
Đầu năm nay, chính phủ Anh đã cấm vape sử dụng một lần, hạn chế tinh dầu vị ngọt và trái cây, giới hạn thiết kế bao bì, cách thức trưng bày tại cửa hàng. Những thay đổi này dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, được áp dụng đồng thời ở Scotland, xứ Wales, Bắc Ireland. Giới chức cũng sẽ xử phạt các cửa hàng bán vape bất hợp pháp cho trẻ em, trong đó trao quyền cho quan chức quản lý thị trường xử phạt tại chỗ.
Đây là động thái mới của chính phủ Anh, một phần trong kế hoạch cứng rắn nhất thế giới nhằm kiểm soát tình trạng hút thuốc lá, vape. Các bác sĩ Anh lo ngại về những tác động sức khỏe lâu dài chưa được biết đến của vape đối với những người trẻ có hệ hô hấp đang phát triển. Các bác sĩ cũng đề cập chứng nghiện nicotine dẫn đến lo âu, khó tập trung, đau đầu khi cai. 70% trong số 25.000 người Anh được khảo sát bày tỏ sự ủng hộ lệnh cấm này.
Trước tác hại của thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo ngăn chặn sự bắt đầu của những người không hút thuốc, trẻ vị thành niên và các nhóm dễ bị tổn thương. Với Việt Nam, WHO khuyến cáo, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên.
Ngoài ra, cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trong một diễn biến khác, EU mới đây bày tỏ mối quan ngại khi TikTok Lite có một cơ chế tích điểm bằng cách xem các đoạn video và dùng điểm để đổi lấy phần quà có giá trị. Ủy ban châu Âu muốn biết quan điểm của TikTok về nguy cơ tính năng trên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, cũng như rủi ro gây nghiện với người dùng, đặc biệt là trẻ em. Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU yêu cầu các nền tảng mạng xã hội lớn phải đánh giá và giảm thiểu những rủi ro đó.