WHO kêu gọi tìm giải pháp cho hội chứng Covid kéo dài
Với dự báo hàng triệu người ở châu Âu có thể mắc hội chứng Covid kéo dài trong những năm tới, WHO kêu gọi các nước trong khu vực chú ý tới hội chứng hậu Covid-19 này bằng cách gấp rút đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và hồi phục sức khỏe có liên quan...
Ngày 13/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ít nhất 17 triệu người ở các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) có thể đã trải qua các triệu chứng của Covid-19 kéo dài trong 2 năm đầu tiên của đại dịch. Nghiên cứu, được thực hiện cho Văn phòng khu vực châu Âu của WHO trong năm 2020 và 2021, cho thấy các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng.
Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc Covid kéo dài gấp đôi nam giới, và có tỷ lệ bị bệnh nặng phải nhập viện khi nhiễm virus cao hơn. 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới có khả năng mắc các triệu chứng của Covid kéo dài.
“Hàng triệu người ở các khu vực mà chúng tôi đang phụ trách, bao gồm châu Âu và Trung Á, đang phải chịu đựng các triệu chứng suy nhược trong nhiều tháng sau lần nhiễm Covid-19 đầu tiên”, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Henri P. Kluge cho biết. "Điều này dẫn đến nhu cầu cấp bách là các chính phủ và đối tác y tế cần phải hợp tác để tìm ra giải pháp cho hội chứng Covid kéo dài, dựa trên hoạt động nghiên cứu và bằng chứng".
Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (tổ chức thực hiện nghiên cứu cho WHO) cho biết: “Biết được chính xác số người bị ảnh hưởng bởi hậu Covid-19 kéo dài, thời gian bị ảnh hưởng là điều quan trọng đối với hệ thống y tế và các cơ quan chính phủ trong việc phát triển các dịch vụ giúp các bệnh nhân này hồi phục”.
Ngoài châu Âu, hàng loạt bài báo và nghiên cứu được đăng tải gần đây cho thấy hội chứng Covid kéo dài (long Covid) đã trở thành một đại dịch "giấu mặt" tại nhiều quốc gia trên thế giới. Học viện Y học thể chất và Phục hồi chức năng Mỹ ước tính đến ngày 4/9, quốc gia này đã ghi nhận trên 28 triệu trường hợp mắc các triệu chứng của Covid kéo dài. Theo đó, cứ 13 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người gặp phải hội chứng Covid kéo dài.
Forbes mới đây đã trích dẫn một báo cáo của Viện Brookings cho biết hội chứng Covid kéo dài khiến khoảng 4 triệu người Mỹ thất nghiệp, với ước tính thiệt hại về lương tối thiểu là 170 tỷ USD/năm. Đây được coi là một tổn thất kinh tế lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát leo thang và chi phí sinh hoạt tăng vọt. Trong khi đó, tại Australia, Bộ trưởng Y tế Mark Butler dự báo trong các năm tới, số người mắc hội chứng Covid kéo dài tại quốc gia này còn gia tăng, có thể lên đến 1,4 triệu người.
WHO định nghĩa hội chứng Covid kéo dài là một loạt các triệu chứng trong thời gian dài mà một số người đã trải qua sau khi mắc Covid-19. Những người mắc Covid kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não "sương mù", trầm cảm và lo lắng,...
Mặc dù phần lớn thế giới có thể đang vượt qua đại dịch nhưng đối với nhiều người trong số hàng triệu bệnh nhân Covid-19 kéo dài, sự đau khổ vẫn còn. Viện Y tế Quốc gia Mỹ hiện vẫn đang theo dõi các tác động đến sức khỏe tâm thần đối với người lớn và thanh thiếu niên mắc chứng hậu Covid. Dự kiến kết quả về tỷ lệ lo âu và trầm cảm sẽ có trong tháng 9 này.
Tại Anh, một nhóm cố vấn của Chính phủ nước này cũng đang nghiên cứu nguy cơ tự tử đối với bệnh nhân hậu Covid. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh đang điều tra xem liệu cơ quan y tế có thể đánh giá trước nguy cơ tự tử của một bệnh nhân hậu Covid-19 như đối với những người mắc các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư hay không.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu từ Đại học King's College London, Vương quốc Anh phát hiện các triệu chứng thần kinh xảy ra phổ biến nhất trong giai đoạn Covid-19 kéo dài của bệnh nhân. Nhóm này gồm các triệu chứng rối loạn nhịp tim, sương mù não, nhức đầu, mê sảng, trầm cảm và mệt mỏi.
Mất vị giác do Covid-19 thường do mất khứu giác. Các triệu chứng hô hấp liên quan đến tổn thương phổi cũng có thể xảy ra, gồm khó thở nghiêm trọng, đánh trống ngực, mệt mỏi và đau ngực. Đối với nhóm triệu chứng toàn thân hoặc viêm và ở bụng gồm đau cơ xương, thiếu máu, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, khó chịu và mệt mỏi.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 336.652 bệnh nhân. Trong nhóm này, 1.459 trường hợp xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19 ở tuần thứ 12 sau khi nhiễm Covid-19 cấp tính. "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các triệu chứng liên quan đến hô hấp rõ ràng hơn ở những bệnh nhân chưa được tiêm vaccine", Tiến sĩ Jai Marathe, Đại học Boston (Massachusetts, Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Còn những bệnh nhân mắc biến chủng Alpha hoặc Delta có tỷ lệ mắc các triệu chứng thần kinh cao hơn như anosmia và sương mù não. Trong khi đó, các triệu chứng toàn thân, viêm và ổ bụng chỉ liên quan nhẹ đến tất cả biến chủng.
Tiến sĩ Jai Marathe cũng chia sẻ trên Medical News Today: "Nghiên cứu này chắc chắn cải thiện hiểu biết của mọi người về hội chứng hậu Covid-19, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc Covid kéo dài. Nếu các bác sĩ được trang bị thông tin này, họ có thể tư vấn tốt hơn cho bệnh nhân và có triển vọng cải thiện triệu chứng. Họ cũng có thể hướng tới các phương pháp điều trị các nhóm triệu chứng đang ảnh hưởng và cải thiện chăm sóc lâm sàng cho bệnh nhân".