Xây dựng chiến lược tổng thể ngành công nghiệp hóa chất
Tốc độ phát triển trung bình ngành công nghiệp hóa chất giai đoạn 2010-2020 ước khoảng 10%. Ngành này cùng với chuỗi cung ứng trực tiếp liên quan đã đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản lượng công nghiệp quốc gia...
Bộ Công Thương vừa có tờ trình trình Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng ngành công nghiệp hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đến năm 2040, phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI HÀI HÒA VỚI CÁC NGÀNH KHÁC
Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, ngành công nghiệp hóa chất được coi là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, ngày 18/8/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 207/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2010 (có tính đến năm 2020).
Sau hơn 10 năm thực hiện, các định hướng phát triển ngành ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2020 tuy chưa đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra nhưng cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là những kết quả đạt được trong một số chuyên ngành như hóa dầu, phân bón, nhựa, hóa dược.
Các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo tìm hướng đi thích hợp như đầu tư công nghệ mới, thiết bị hiện đại của các nước tiên tiến thông qua các dự án hợp tác, liên doanh.
Một số sản phẩm của ngành hóa chất có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng phần nào nhu cầu trong nước. Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển chung của toàn ngành, cơ cấu ngành về sản phẩm và vùng lãnh thổ vẫn còn chưa hợp lý.
Chính vì vậy, việc lập Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 là rất cần thiết và cấp bách nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được đặt ra của giai đoạn trước cũng như trong giai đoạn tới.
Đó là phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam, tiến tới trở thành ngành công nghiệp hiện đại với cơ cấu ngành tương đối đồng đều, hoàn chỉnh gồm các lĩnh vực như: phân bón, cao su kỹ thuật và tiêu dùng, hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa chất tinh khiết, hóa dược, hóa chất tiêu dùng dần đáp ứng được nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Trong tờ trình, Bộ Công Thương nêu rõ: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cân đối hài hòa với chiến lược của các ngành khác. Phải đảm bảo tính lâu dài, vừa đảm bảo linh hoạt để có thể điều chỉnh thích ứng với những thay đổi do nhu cầu của nền kinh tế thị trường.
Chiến lược sẽ đóng vai trò định hướng giúp cho các cơ quan nhà nước và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để điều hành sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.
Đồng thời sẽ giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hóa chất xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm, đầu tư phát triển doanh nghiệp hài hòa với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất trong giai đoạn sau này.
TẬP TRUNG VÀO NHỮNG PHÂN NGÀNH QUAN TRỌNG
Theo định hướng phát triển, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam sẽ là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp.
Trong đó, tập trung vào chiến lược phát triển một số phân ngành quan trọng như: phân bón, hóa dầu, hóa chất cơ bản, cao su, khí công nghiệp. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Duy trì và phát triển các nhà máy sản xuất có công nghệ tiên tiến, từng bước loại bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, chất lượng sản phẩm kém, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hóa chất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực đầu tư chủ chốt căn bản như hạ tầng của khu công nghiệp hóa chất, hạ tầng của khu kinh doanh hóa chất, những ngành hóa chất chiến lược.
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân vào trong lĩnh vực hóa chất, tận dụng tối đa nội lực của đầu tư xã hội. Đặc biệt, đối với các dự án FDI, chỉ tiếp nhận những dự án đầu tư vào các lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Chiến lược cũng sẽ hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn để thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng lượng lớn hóa chất cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác, trung tâm logistics về hóa chất tại các địa điểm có quỹ đất đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông.
Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng ngành công nghiệp hoá chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa dầu, hóa chất cơ bản, cao su kỹ thuật, hóa dược.
Hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất cung ứng trong khu vực và thế giới. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất.
Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.
Hạn chế tối đa việc hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến hóa chất quy mô nhỏ. Xây dựng kế hoạch di dời, tập trung các nhà máy sản xuất hóa chất vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung.
Đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự cường.