Xe điện mini có thể làm thay đổi quan niệm về ô tô?
Trong quan niệm của nhiều người, một chiếc ô tô không chỉ là phương tiện giao thông di chuyển nhanh, chuyên chở được nhiều người và hàng hóa mà còn là một loại tài sản giúp nâng cao giá trị hình ảnh và gián tiếp tạo ra giá trị vật chất cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ, đặc biệt là sự xuất hiện của dòng xe điện mini đang khiến quan niệm này dần “lung lay”.
Gần đây, thông tin VinFast VF 3 chuẩn bị chính thức được mở bán tại Việt Nam đang rầm rộ trên các diễn đàn và mạng xã hội. Trước đó, VF 3 lần lượt xuất hiện tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2024 tại Mỹ, Triển lãm Ô tô Quốc tế Montreal (MIAS) 2024 tại Canada và mới đây nhất là Bangkok International Motor Show (BIMS) 2024 tại Thái Lan.
Trong quá khứ, các mẫu xe mới của VinFast như VF 8, VF 9, VF 5, VF 6 và VF 7 đều được ra mắt tại các sự kiện lớn của ngành ô tô thế giới, trước khi chính thức mở bán đầu tiên tại chính quê hương của mình là Việt Nam. Lần này, VF 3 cũng theo chiến lược “đi xa về gần” và có khả năng cao người dùng Việt sẽ là những người đầu tiên được sở hữu và trải nghiệm mẫu xe điện mini do hãng xe Việt sản xuất.
Hiện tại, VinFast mới chỉ công bố một số thông tin cơ bản của VF 3, gồm kích thước (dài x rộng x cao) 3.190 x 1.679 x 1.622 mm, chiều dài cơ sở 2.350 mm; khối lượng 1,3 tấn; động cơ điện công suất 110 mã lực, mô-men xoắn cực đại 242 Nm; tốc độ tối đa 100 km/h; quãng đường di chuyển tối đa khoảng 210 km sau mỗi lần sạc đầy. Giá bán được nhiều người đồn đoán khoảng 300 triệu đồng, dự kiến “lên kệ” ngay trong tháng 4.
Màn “nhập cuộc” của VinFast VF 3 một lần nữa khuấy động phân khúc xe điện mini giá rẻ tại thị trường Việt Nam. Trước đó, nhiều người đã có cơ hội trải nghiệm lái thử và sở hữu mẫu xe mini đầu tiên là Wuling Mini EV do TMT Motors hợp tác với liên doanh GM - (SAIC - WULING), lắp ráp tại nhà máy TMT Hưng Yên.
Đánh giá ban đầu, Wuling Mini EV có thiết kế nhỏ gọn hơn các mẫu sedan hoặc hatchback hạng A, thiết kế trẻ trung và màu sắc rất tươi sáng. Xe được thiết kế 4 chỗ ngồi nhưng chỉ có 2 cửa; nghĩa là người dùng phải di chuyển cửa vị trí hàng ghế thứ nhất sang hàng ghế thứ hai thông qua lối đi ở giữa thân xe.
Để có mức giá 239-279 triệu đồng, rẻ hơn cả những mẫu xe hạng A rẻ nhất thị trường hiện nay, nhà sản xuất đã cắt giảm “option” đến mức tối đa. Không gian nội thất của Wuling Mini EV cũng như các mẫu xe điện mini của thương hiệu khác thường được thiết kế tối giản. Những trang bị chính chỉ bao gồm điều hòa nhiệt độ, cụm đồng hồ dạng LCD, trợ lực lái điện tử, cảm biến sau, camera lùi, kết nối Bluetooth/Radio. Với những trang bị có phần “nghèo nàn” này, người dùng không thể mong đợi trải nghiệm lái êm ái, thoải mái như các mẫu xe hạng B hoặc hạng C trở lên.
Tuy nhiên, với những gia đình có thu nhập trung bình, rất khó để sở hữu một chiếc ô tô mới, dù chỉ là một chiếc xe hạng A. Trước đây, họ đều phải lựa chọn những mẫu xe đã qua sử dụng với mức giá khoảng 150-250 triệu đồng, cộng thêm một khoản tiền để “tân trang” và chấp nhận sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở tư nhân mỗi khi xe gặp vấn đề. Sắp tới, khi các mẫu xe điện mini dần xuất hiện trên thị trường, người tiêu dùng sẽ có cơ hội sở hữu ô tô với giá dưới 300 triệu đồng, mức giá mà công chức, viên chức, nhân viên văn phòng cũng có thể dễ dàng sở hữu được nếu lựa chọn hình thức mua trả góp.
Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn ô tô hóa. Đối tượng khách hàng mua ô tô cũng ngày càng đa dạng. Trong đó, một bộ phận khách hàng dù thu nhập không cao nhưng vẫn mong muốn sở hữu ô tô như một phương tiện di chuyển cơ động, gọn nhẹ, có thể chở được một gia đình nhỏ và không phải lo lắng chuyện nắng, mưa. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chuẩn bị ra trường (21 tuổi), mới đi làm cũng mong muốn có một chiếc ô tô được mua bằng chính thu nhập của mình. Do đó, một chiếc xe “tối giản” phục vụ khách hàng có nhu cầu “tối giản” là điều khá hợp lý.
Bên cạnh lợi thế kích thước nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển trong các tuyến phố, ngõ nhỏ và nhiều chướng ngại vật tại Việt Nam, xe điện mini cũng là một trong những ứng cử viên sáng giá cho tiến trình điện khí hóa tại Việt Nam. Nhờ có mức giá rẻ nhất thị trường, những người mong muốn trải nghiệm xe điện hóa có thể lựa chọn xe điện mini như một phương tiện thứ hai để phục vụ nhu cầu di chuyển gần nhà, đi chợ, đi học. Đa số mẫu xe điện mini có khối pin cỡ nhỏ nên thời gian sạc đầy được rút ngắn xuống còn 6 tiếng, có thể sạc tại nhà mà không cần quá lo lắng về trạm sạc công cộng như các mẫu xe điện cỡ trung hoặc cỡ lớn. Trên thực tế, những năm trước đây, nhiều người từng hoài nghi về tương lai của xe máy điện. Tuy nhiên, ngày nay, xe máy điện đang ngày càng chiếm thị phần lớn trong thị trường xe hai bánh tại Việt Nam và xe điện mini cũng có thể phát triển trong một kịch bản tương tự.
Mới đây, Wuling cho biết chuẩn bị ra mắt Mini EV phiên bản 2024 với tên gọi Macaron, hứa hẹn có nhiều option đáng giá hơn và mức giá có thể sẽ cao hơn phiên bản Mini EV đang sản xuất tại Việt Nam.
Tại Nhật Bản, Ấn Độ, những mẫu xe mini (Kei-car) đang được nhiều người dùng ưa chuộng. Những chiếc xe này thường có thiết kế nhỏ gọn dạng hộp diêm, công suất nhỏ, giúp người dùng tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm tiền mua xe, tiền thuế và bảo hiểm. Có thời điểm “Kei-car” chiếm đến 40% thị phần ô tô tại Nhật Bản (năm 2013). Đến năm 2022, thị phần “Kei-car” giảm nhẹ xuống còn 34,1%. Gần đây, các mẫu “Kei-car” chạy điện cũng đang dần phổ biến.
Đầu năm 2023, Mitsubishi giới thiệu mẫu “Kei-car” mới với tên gọi Delica Mini, được phát triển từ dòng xe Delica, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ra mắt dòng xe này tại Nhật Bản. Theo Nikkei Asia, Nissan cũng đang có kế hoạch phát triển một mẫu xe điện mini mới thông qua hợp tác với Mitsubishi. Trước đó, Nissan khá thành công tại thị trường nội địa với mẫu xe Sakura. Sau gần 2 năm ra mắt, đã có gần 64.000 chiếc Nissan Sakura đến tay người tiêu dùng. Daihatsu - thương hiệu bán nhiều mẫu “Kei-car” nhất tại Nhật Bản cũng đang có kế hoạch tiếp tục sản xuất các mẫu xe mini mới, sau khi thực hiện cải tổ thành công.