"Xóa" vùng lõm sóng di động trên toàn quốc
Đến nay trên cả nước đã xóa hơn 2.200 vùng lõm sóng di động. Mục tiêu kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2022 hoặc trong quý 1/2023 sẽ xử lý, xóa 300 các điểm lõm sóng viễn thông di động còn lại trên cả nước...
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết, theo báo cáo từ các sở, ngành, trên cả cả nước có khoảng 2.500 điểm lõm sóng di động. Đây là những điểm mà người dân không thể tiếp cận được với sóng di động.
Tuy nhiên, số lượng điểm lõm sóng đã giảm mạnh chỉ sau gần 2/2021 và 2022. Bộ đã thực hiện xóa vùng lõm sóng dựa trên thông tin này và đã xóa được khoảng 2.200 điểm. Như vậy, theo thống kê sơ bộ, đến nay trên cả nước vẫn còn khoảng 300 điểm lõm sóng viễn thông di động.
Đối với 300 điểm lõm sóng còn lại, hiện nay chủ yếu là các điểm chưa có điện (khoảng 200 điểm) và những nơi có ít dân cư, chỉ có dưới 50 hộ dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch mục tiêu đến hết năm nay và quý 1/2023 sẽ xử lý xong các điểm lõm sóng di động.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài những điểm lõm sóng trong danh sách trên, có thể còn một số điểm nữa. Chính quyền các địa phương sẽ phát hiện các điểm lõm sóng này và thông qua Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và có thể sử dụng nguồn Quỹ Viễn thông công ích để thực hiện phủ sóng 3G, 4G ở các vùng lõm.
Thực tế trong quá trình tiến hành xóa vùng lõm sóng còn gặp khó khăn khi ở một số thôn bản vẫn chưa có điện và người dân sống quá phân tán. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các nhà mạng có những giải pháp phù hợp, trên tinh thần sẽ phủ sóng triệt để các thôn bản, những vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi người dân chịu thiệt thòi nhất.
Quá trình đánh giá khảo sát các điểm lõm sóng di động 3G, 4G được thực hiện từ khi đại dịch Covid xảy ra, học sinh phải học online tại nhà. Việc triển khai xóa các vùng lõm sóng di động là một chủ trương lớn của ngành thông tin và truyền thông Việt Nam. Hoạt động này được khởi xướng từ tháng 9/2021 nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số.
Sau một năm triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", ngành thông tin và truyền thông Việt Nam đã phủ sóng phần lớn số thôn bị lõm sóng di động trên toàn quốc.
Theo báo cáo quý 3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng vùng lõm sóng giảm mạnh nhất từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, giảm gần 1.400 vùng. Nếu không tính đến các thôn chưa có điện lưới hoặc nguồn điện không đảm bảo chưa thể triển khai phủ sóng được thì các doanh nghiệp viễn thông đã đạt 98,2% chương trình phủ sóng di động.
Đối với những thôn chưa tiếp cận được với cáp quang nhưng đã có sóng di động, tức là người dân có thể tiếp cận với các phương tiện truyền dẫn.
Theo thống kê, hiện nay trên cả nước vẫn còn khoảng 7.000 thôn bản chưa có đường cáp quang Internet. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong năm 2022 đang tập trung xóa vùng lõm sóng di động. Sang năm 2023, Bộ sẽ hướng tới việc đưa cáp quang tới các thôn bản để cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho người dân ở các vùng này.
Hiện nay, trên cả nước đã có khoảng 20 triệu hộ gia đình Việt Nam (chiếm khoảng gần 75%) đã có Internet cáp quang. Đến nay, trên cả nước có tổng cộng 127,2 triệu thuê bao điện thoại di động. Lượng thuê bao di động tăng 3,4% so với kỳ cùng năm 2021.