Xu hướng “quẹt thẻ” mua sắm mạnh tay của du khách Hàn Quốc
Các điểm đến nằm trong khoảng cách 5 giờ bay từ Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ làn sóng du lịch nước ngoài của người dân xứ sở kim chi. Tại Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất trong 5 tháng đầu, với 1.3 triệu lượt khách…
Báo cáo phân tích "Hiện trạng sử dụng thẻ ở nước ngoài của người dân trong quý 1/2023" mà Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa công bố cho thấy nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Hàn Quốc đang dần phục hồi. Tờ KoreaTimes cũng dẫn thông tin từ cơ quan chức năng Hàn Quốc cho biết trong quý 1/2023 đã có 9 triệu người Hàn Quốc đã đi du lịch nước ngoài, tăng tới 62% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo trong quý 2/2023, con số này sẽ vượt 10 triệu lượt.
Bên cạnh đó, người Hàn Quốc đã tăng chi tiêu khi đi du lịch nước ngoài sau đại dịch Covid-19. Theo đó, số tiền sử dụng thẻ (bao gồm cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ thanh toán thông thường) của người dân Hàn Quốc tại nước ngoài trong quý 1/2023 là 4,61 tỷ USD. Đây là mức tăng 14,8% so với mức 4,07 tỷ USD của quý trước. Nếu quy đổi theo tỷ giá trung bình của đồng won/USD thì người Hàn Quốc đã chi tiêu tổng cộng 5.870 tỷ won.
Cùng với đó, hoạt động mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, vốn bị đình trệ do ảnh hưởng của đồng won mất giá vào nửa cuối năm 2022, đã chuyển sang tăng trở lại trong năm nay. Theo cơ quan Thống kê Quốc gia, giá trị của các đơn hàng mua trực tiếp từ nước ngoài trong quý 1/2023 của người Hàn Quốc là 1,25 tỷỉ USD, tăng 26,7% so với mức 990 triệu USD của quý 4/2022.
Kết quả phân tích dữ liệu tiêu thụ của các ngành liên quan đến du lịch nước ngoài trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến 15/5 do công ty KB Kookmin Card công bố ngày 29/5 vừa qua cho thấy doanh thu của các ngành chính liên quan đến du lịch nước ngoài như đại lý du lịch, hãng hàng không, cửa hàng miễn thuế tại Hàn Quốc lần lượt tăng 409%, 150% và 88% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo châu lục, châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất trong thị phần mua vé máy bay trong giai đoạn nêu trên với 81%, châu Âu chiếm 8%, châu Mỹ và châu Đại Dương mỗi khu vực đều chiếm 5%. Cụ thể, tỷ lệ mua vé máy bay đến các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á cao nhất là Nhật Bản với 52%, Việt Nam đứng thứ hai với 12%, tiếp đến là Thái Lan (10%), Philippines (9%), vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) - 5%, Indonesia và Trung Quốc đều cùng chiếm 3%.
Tiếp nối năm 2022, năm nay tỷ trọng du lịch đến Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan vẫn giữ vị trí cao nhất. Năm nay, số lượng mua vé máy bay của du khách Hàn Quốc đang tăng trên tất cả các khu vực, nhưng khu vực có tỷ lệ tăng cao nhất là châu Á, tăng 192% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích dữ liệu cho thấy, khách Hàn Quốc tới Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan có mức tăng lần lượt là 319%, 227%, 193% và 172%. Khu vực châu Đại Dương, đảo Guam ghi nhận mức tăng 137%, Australia và New Zealand đều tăng trưởng ở mức 55% và là những điểm đến mới thu hút khách Hàn Quốc.
Theo BoK và Tổng cục Du lịch Nhật Bản, 1,6 triệu lượt người Hàn Quốc đã đến Nhật Bản trong quý 1/2023, chiếm 33,4% tổng số du khách tới Nhật Bản. Theo đó, du khách Hàn Quốc đã chi khoảng 1.980 tỷ won (1,47 tỷ USD) tại quốc gia láng giềng.
Theo khảo sát của tờ Nikkei Asia, cho đến nay sự phục hồi chi tiêu tại Nhật Bản chủ yếu do người Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Ryukakusan - nhà sản xuất thuốc trải qua hơn một thế kỷ phát triển - đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ từ khi các đường bay giữa Nhật và Hàn Quốc được nối lại. "Vào những ngày có đoàn du khách Hàn Quốc ghé thăm, chúng tôi bán hết sạch ngay khi vừa nhập hàng", một quản lý cửa hàng chia sẻ.
Tại Ginza Itoya, cửa hàng văn phòng phẩm hàng đầu ở khu mua sắm Ginza (Tokyo), “lượng khách Hàn Quốc thậm chí đã vượt quá mức trước đại dịch”, một giám đốc điều hành cho biết. Nhân viên bán hàng của Itoya cũng chia sẻ nhiều người mua hàng là du khách từ Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Những món quà lưu niệm được tìm kiếm nhiều nhất là dụng cụ viết, đồ thủ công bằng giấy và thiệp 3D thiết kế công phu, vì chúng "có giá hợp lý và dễ mang về nhà".
Mặt khác, truyền thông Hàn Quốc cho biết, khi hàng hiệu trong nước ngày càng đắt đỏ cộng lạm phát kinh tế, nhóm khách trung lưu Hàn Quốc bắt đầu ngại ngần chi tiền. Họ chuyển sang mua sắm ở nước ngoài để có giá rẻ hơn. Một freelancer 33 tuổi họ Lee ở thủ đô Seoul cho biết: "Tôi nghe nói mua sắm xa xỉ ở Nhật Bản ngày nay rẻ hơn nhiều so với Hàn Quốc. Giá cả hàng hiệu trong nước đang trở nên quá đắt đỏ ở đây trong vài năm qua. Không có lý do gì để mua chúng ở Hàn Quốc khi tôi có thể thực hiện một chuyến đi chơi tới Tokyo và tranh thủ mua sắm ở đó".
Chính vì xu hướng chi tiêu mạnh tay của người Hàn Quốc khi đi nước ngoài đã dẫn tới việc thâm hụt thu nhập trong ngành du lịch Hàn Quốc lên đến 3,24 tỷ USD trong quý 1/2023, tăng 1,81 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi, số lượng du khách Trung Quốc, chiếm phần lớn trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc trước đại dịch, cũng chưa phục hồi trở lại. Sự phục hồi chậm chạp của khách du lịch trong nước cộng với việc số lượng khách Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài tăng đáng kể đã tạo ra thâm hụt trong thu nhập của ngành du lịch.
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố các biện pháp kích cầu trong nước. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính Bang Ki-sun trong một cuộc họp chính phủ đã đưa ra các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa, ông cho rằng các biện pháp này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện cán cân du lịch.
Nhà nghiên cứu cao cấp Shin Ji-young thuộc Viện nghiên cứu Hyundai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện số dư tài khoản du lịch. Theo ông, để cải thiện thu nhập trong ngành du lịch là phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo đó, ngành du lịch cần tập trung phát triển các điểm du lịch mới, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch có giá trị cao và tăng cường dịch vụ để thu hút thêm nhiều khách du lịch toàn cầu.