Xử lí nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hoá để trục lợi
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 800/VPCP-KTTH ngày 08/02/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc...
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc tại Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27/12/2021, Thông báo số 08/TB-VPCP ngày 10/01/2022 và văn bản số 121/VPCP-QHQT ngày 13/01/2022.
Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để tiếp tục khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định đối với các hành vi lợi dụng tình trạng ùn tắc hàng hoá để vi phạm pháp luật.
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, phía Trung Quốc tiến hành phong tỏa các cửa khẩu giao thương, kiểm soát nghiêm ngặt xe thông quan. Dẫn đến hàng nghìn xe hàng ùn tắc tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, Lào Cai trong thời gian dài.
Thông tin từ nhiều báo chí phản ánh, lợi dụng việc thông quan khó khăn hơn so với trước đây, khoản tiền “làm luật” đã bị các “nhà luật” đẩy từ mức 6- 8 triệu đồng/xe hàng lên tới vài chục triệu đồng.
Không chỉ phải chi “tiền luật” cao mà họ còn phải mua “lốt” xe (1 suất xe ưu tiên qua cửa khẩu) để được thông quan sớm. Nếu xe không mua “lốt” thì nằm bãi đợi trên 20 ngày mới được thông quan. Còn nếu mua phải chi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để vào cửa khẩu.