Xuất khẩu gặp khó, đồ gỗ quay về thị trường nội địa
Với phương châm "biến thách thức thành cơ hội", Hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa (TavicoHome Viefurn 365) được cho là một giải pháp hiệu quả cho đầu ra của ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam trong thời điểm hiện nay…
Hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa (TavicoHome Viefurn 365) được tổ chức từ ngày 25/9 - 1/10 tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có quy mô trên 1.000 gian hàng với hơn 10.000 sản phẩm được trưng bày.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu lâm sản trong tháng 8/2023 chỉ đạt 1,19 tỷ USD, giảm 21,5% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu lâm sản chỉ đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 do các thị trường chính chịu tác động nặng nề bởi lạm phát, người tiêu dùng dành sự ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu hơn đồ gỗ. Năm 2022, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 17 tỷ USD.
Bình Dương và Đồng Nai là hai trung tâm chế biến đồ gỗ lớn nhất Việt Nam (hai tỉnh này chiếm tới 65-70% trong tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam) đang lo ngại doanh số xuất khẩu đồ gỗ không đạt khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới, như Trung Đông. Hiện nay, số đơn hàng mới về chưa nhiều nhưng đủ để các doanh nghiệp chống chịu qua giai đoạn này.
"Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhưng đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại chưa thực hiện đầy đủ chủ trương này", ông Liêm nêu thực tế, đồng thời cho biết doanh nghiệp chưa nhận được thông báo giảm lãi cho các khoản vay cũ, chủ yếu chỉ áp dụng cho các khoản vay mới, thậm chí một số ngân hàng chỉ cho vay khi doanh nghiệp có đơn hàng.
Trong khi xuất khẩu đang vô cùng khó khăn, thì thị trường nội địa đối với ngành hàng đồ gỗ vẫn đang bị “bỏ ngỏ”. Với dân số 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm ước tính có tới 70-80 triệu m2 nhà ở được xây dựng, dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nội ngoại thất tăng cao. Nhưng hiện nay thị trường đồ gỗ nội địa vẫn còn bỏ ngỏ cho các sản phẩm ngoại nhập.
"Quay về thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ đa dạng hoá đầu ra, mở rộng cơ hội kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào xuất khẩu. Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Ông Võ Quang Hà – Chủ tịch Tavico Group cho biết Hội chợ Hội chợ Đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa (TavicoHome Viefurn 365) với quy mô hơn 1.000 gian hàng, hơn 10.000 sản phẩm được trưng bày trên diện tích mặt bằng 20.000 m2 tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai, từ ngày 25/9/2023 đến ngày 01/10/2023 với các hoạt động về hợp tác thương mại, xuất khẩu được tiếp nối diễn ra sau đó.
Theo ông Võ Quang Hà, Hội chợ TavicoHome Viefurn 365 làm tiền đề cho việc hình thành một địa điểm giới thiệu sản phẩm “gỗ Tây – giá Ta – không nơi nào bằng” phục vụ người tiêu dùng trong nước quanh năm. Hội chợ này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều hiệp hội chế biến gỗ, các nhà thầu xây dựng lớn, các đơn vị thiết kế, các nhà phát triển bất động sản uy tín…