Xuất khẩu ngành nông nghiệp 2021 và câu hỏi ''khó'' của Thủ tướng
''Thủ tướng hỏi, 44 tỷ thì có làm được không. Tôi trả lời, nếu gắng sức thì cũng có thể đạt được''
Năm 2020, trong bối cảnh đứt gãy lưu thông hàng hóa nông sản toàn cầu do dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP 2,65%, kim ngạch xuất khẩu 41,2 tỷ USD, xuất siêu trên 10 tỷ USD. Kết quả này cho thấy doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam rất giỏi làm thương mại. Mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2021 là 44 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ về một năm 2020 thăng trầm và nhiều bất ngờ của ngành nông nghiệp cũng như mục tiêu trong năm 2021.
Nhìn lại năm 2020 là một năm rất đặc biệt đối với thế giới. Với ngành nông nghiệp Việt Nam, xin cho biết nhận định của Bộ trưởng?
Năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với thách thức lớn nhất từ trước tới nay. Trước hết, cũng như mọi lĩnh vực kinh tế khác, dịch Covid-19 trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa nông sản sang Trung Quốc và các nước châu Âu. Ngành nông nghiệp còn đối mặt với 2 thách thức mà những lĩnh vực khác không có, hoặc ít bị ảnh hưởng, đó là thiên tai và dịch bệnh vật nuôi.
Chưa từng có năm nào thiên tai dị thường như năm nay, sấm sét và mưa lớn xảy ra vào đúng giao thừa Canh Tý, không chỉ ở Hà Nội, mà đồng loạt ở mấy tỉnh, thành phố. Đến 4 giờ sáng mồng 1 Tết, mưa đá xảy ra ở 7 tỉnh. Tôi và mấy đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xuất phát tại Hà Nội từ 5 giờ sáng mồng 1 Tết lên các tỉnh miền núi phía Bắc để kiểm tra tình hình mưa đá, giông lốc làm gần 14 nghìn ngôi nhà bị mưa đá làm thủng mái.
Nửa đầu năm, hạn khắc nghiệt ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn cả mốc lịch sử năm 2016. Cho đến tháng 10, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, 13 cơn bão và áp thấp liên tiếp đổ vào 7 tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Chưa từng có bao giờ cường độ mưa trong một tháng lên đến 900 mm, thế mà tháng 10 năm nay ở Bạch Mã mưa 4.000 mm. Cùng với đó, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, như dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá sắn...
Trong bộn bề khó khăn như vậy, Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về kết quả hoạt động của ngành nông nghiệp trong năm qua?
Trong bối cảnh hạn hán, thiên tai khốc liệt như vậy, nhưng với sự nỗ lực của nông dân, sản lượng nông sản vẫn tăng, riêng lúa gạo đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Lúa gạo được giá từ đầu năm đến cuối năm, nên chúng ta xuất khẩu được 6,35 triệu tấn gạo, đem về 3,07 tỷ USD. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, đã giúp giá gạo xuất khẩu bình quân được nâng cao từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Năm 2020, nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học - công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ... Nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động. Với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 2,65%.
Trong bối cảnh dịch Covid toàn cầu đã gây gián đoạn, trở ngại cho lưu thông hàng hóa xuất khẩu, thế nhưng với những nỗ lực của doanh nghiệp và các bộ, ngành, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD. Thu nhập người dân ở nông thôn đã đạt 43 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 4,2%. Một điểm nữa, chính vùng lõi nghèo nhất, khó nhất thì lại đang xuất hiện nhiều điểm sáng về sản xuất nông nghiệp.
Xin Bộ trưởng đánh giá về tình hình phát triển khối doanh nghiệp ngành nông nghiệp?
Chúng tôi coi doanh nghiệp và hợp tác xã là 2 hạt nhân quan trọng nhất, làm đầu tàu tổ chức liên kết nông dân sản xuất nông nghiệp lớn, bền vững, đáp ứng xuất khẩu. Năm 2015, cả nước mới chỉ có 3.643 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2020, có 1.055 doanh nghiệp nông nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên trên 13.280 doanh nghiệp.
Trong 3 năm qua, đã có hàng nghìn dự án đầu tư vào chế biến nông nghiệp, trong đó có 67 dự án rất lớn được Chính phủ phê duyệt với giá trị 2,56 tỷ USD. Đây hoàn toàn là vốn đầu tư tư nhân. Đặc biệt, Tổ hợp nhà máy chế biến gà xuất khẩu của Công ty trách nhiệm hữu hạn CPV Food vừa mới khánh thành tại Bình Phước là dự án theo mô hình hiện đại khép kín đầu tiên của Việt Nam với quy mô lớn nhất Đông Nam Á, có vốn đầu tư trên 250 triệu USD, công suất thiết kế của nhà máy giết mổ và chế biến 100 triệu con gà/năm.
Trong vòng có 5 năm, số lượng doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần từ trước tới nay - cho thấy hiệu quả của chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2020, có 4 doanh nhân tư nhân ngành nông nghiệp được Chính phủ phong Anh hùng lao động. Tôi chứng kiến nhiều doanh nhân lặn lội sang tận Trung Đông, châu Âu để chào hàng. Gặp các quan chức châu Âu, tôi nói thế này: Chúng tôi xúc tiến thương mại từ cách đây gần 3.000 năm cơ. Từ thời các vua Hùng, có Mai An Tiêm thả dưa xuống biển kiên trì đến khi người ta biết đến sản phẩm của mình thì mới thôi. Thế kỷ 15, có bà Bùi Thị Hý ở làng gốm Chu Đậu đã đưa sản phẩm đồ gốm xuất đi năm châu bốn biển. Doanh nhân Bạch Thái Bưởi ở thế kỷ 19 đã kinh doanh logistics...
Năm 1995, Việt Nam mới chính thức bình thường hóa quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, và tháng 5 năm đó chúng ta trở thành thành viên ASEAN. Tháng 5/2007 chúng ta trở thành thành viên thứ 50 của WTO. Chỉ trong vòng trên dưới 20 năm, mà ngành nông nghiệp nước ta đã lớn mạnh, từ chỗ thiếu đói phải nhập khẩu lương thực, thì nay đem nông sản đi xuất khẩu ở hơn 200 nước, đem về mỗi năm hơn 41 tỷ USD.
Thời gian gần đây, người ta nói nhiều về Cuộc cách mạng 4.0 và nông nghiệp thông minh. Cơ hội mở ra như thế nào, thưa ông?
Khi tôi làm Phó ban Kinh tế Trung ương năm 2013-2014, lúc đó anh Nguyễn Quân là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mời đi Israel và Hoa Kỳ. Đoàn đi có nhiều doanh nhân, đến chứng kiến các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở nước bạn, người của ta ai cũng ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Nhưng đến nay, các chuyên gia, các doanh nhân của Việt Nam nói về khởi nghiệp, về hệ sinh thái, công nghệ số, thì ai nói cũng giỏi, không thua kém bất cứ diễn giả nào trên thế giới.
Dư luận nước ta vẫn còn hồ nghi cho rằng, người Việt Nam chỉ nói giỏi chứ làm chưa chắc đã được. Nhưng tôi xin cam đoan, ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh. Tôi vào thăm vùng sản xuất cá tra của Công ty cổ phần Nam Việt tại tỉnh An Giang, họ ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ thông minh một cách hoàn hảo. Dự án có quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Ở đó có 300 ao nuôi cá tra tự động hóa mọi khâu với công nghệ số hóa rất thông minh...
Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp nông nghiệp đã vô cùng năng động xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao. Giờ đây, với những thành tựu vượt bậc của công nghệ số, với Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo đã cho phép thiết lập mô hình nông nghiệp thông minh.
Tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo của doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Hiện nay, tất cả quan hệ thương mại với quốc tế, sàn giao dịch thương mại đều trực tuyến chứ không phải là trực tiếp. Chính vì thế, năm nay dịch Covid cản trở không cho các doanh nghiệp ra nước ngoài bán hàng, nhưng họ vẫn bán hàng và xúc tiến thương mại rất thành công, chính là nhờ thông qua trực tuyến trên mạng Internet.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2021 là trên 42 tỷ USD, nhưng Thủ tướng yêu cầu phấn đấu 44 tỷ USD. Liệu có khả thi không, thưa Bộ trưởng?
Con số 44 tỷ USD là khát vọng, nhưng vẫn có tính khả thi trong thực tế. Nếu năm 2020 không có sự cố dịch Covid trên thế giới, thì xuất khẩu ngành nông nghiệp khả năng đã đạt 43 tỷ USD rồi. Khi tôi đề xuất mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2021 là 42 tỷ USD, thì Thủ tướng bảo năm nay 41,2 tỷ mà sang năm chỉ 42 tỷ thì dễ quá. Mục tiêu đưa ra là để phấn đấu, chứ không phải là không cần gắng sức cũng đạt được. Thủ tướng hỏi, 44 tỷ thì có làm được không. Tôi trả lời, nếu gắng sức thì cũng có thể đạt được, ngành gỗ năm nay tăng trưởng 16,8%. Nếu sang năm ngành gỗ giữ được đà tăng trưởng 15% thôi, thì cũng đã thêm được 1,7 tỷ USD rồi.