Xuất khẩu nông sản sang EU: Cửa mở rộng, nhưng không dễ vào
Để nắm cơ hội, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường
Với việc cắt giảm thuế quan sâu, tới đây thị trường EU sẽ là cơ hội mới cho nông sản Việt. Tuy nhiên, để nắm cơ hội, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Ngày 21/8, tại Tp.HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cùng chủ trì Hội nghị Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA): Cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý.
Cơ hội đã mở
508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, EU được đánh giá thị trường tiềm năng lớn. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành nông sản, đặc biệt là hàng thủy sản và cà phê, là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
Như tính toán của cơ quan quản lý, khi EVFTA có hiệu lực, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình 7 năm. Cụ thể, có đến 70,3% dòng thuế về 0% ngay, và đạt đến 99,7% dòng thuế về mức 0% sau 10 năm sau đó.
Theo đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt... Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tới đây, kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp gia tăng, nhờ thị trường mở rộng hơn. Đặc biệt, các mặt hàng rau quả, cà phê, điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ... có nhiều dấu hiệu về tăng trưởng vượt bậc. Hiện, mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu ra 185 nước trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cũng khẳng định rằng, nông nghiệp là lĩnh vực sẽ quyết định sự thành công trong việc hội nhập và phát triển của Việt Nam. Năm 2018 Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 27 thế giới về quy mô, sản phẩm. Riêng lĩnh vực nông thủy sản, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới.
Dù vậy, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Intermex, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam lo ngại, không nên quá hồ hởi với việc giảm thuế quan của EU, bởi lẽ các nước sẽ áp dụng hàng loạt hàng rào kỹ thuật mới, khắt khe hơn nữa. EU vốn đã quy định rất khắc khe về việc dùng các loại hóa chất. Do vậy, hóa chất có trong sản phẩm nông nghiệp là câu chuyện không thể thờ ơ. EU vốn là một trong những thị trường đòi hỏi về tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.
Cần chuẩn bị năng lực
Mọi tiêu chuẩn mà EU đưa ra đều xuất phát từ việc họ rất quan tâm đến phát triển bền vững và yêu cầu tất cả các đối tác thương mại cũng cần cùng hành động vì các mục tiêu toàn cầu.
Trong Hiệp định FTA, EU cam kết sẽ mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam nhưng Việt Nam cũng cần có hợp tác với EU để đảm bảo hàng xuất sang EU đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, hai bên đang tích cực thảo luận để thống nhất được cơ chế hợp tác kỹ thuật trước khi Hiệp định được chính thức phê chuẩn.
Tiếp đó, với quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU) ta cần phải thực hiện nghiêm. Đừng để như vừa qua, EU đã phát hiện và cảnh báo về một số doanh nghiệp vi phạm IUU.
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản lại giảm tới 8,2%. Điều đó cho thấy, xuất khẩu nông sản đã và đang gặp không ít rào cản, khó khăn. Như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để triển khai FTA Việt Nam-EU, đồng thời, tiếp tục củng cố nội lực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Như khuyến nghị của ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, để nắm bắt tốt cơ hội, doanh nghiệp phải tuân thủ các thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), cũng như các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS), rồi vấn đề sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững...
Để doanh nghiệp hiểu rõ các cam kết trong EVFTA, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phổ biến và hướng dẫn những quy định của EU.
Tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Và, xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Việc lo ngại của doanh nghiệp là có cơ sở, dựa vào kinh nghiệm của các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đây để rút ra. Cho nên ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp nên cẩn trọng và chuẩn bị chu đáo. Phải đảm bảo hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường phải tuân thủ đáp ứng chuẩn về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.