Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt hơn 7 tỷ USD, mặt hàng tôm và cá tra tăng trưởng bứt phá

Chu Khôi
Chia sẻ

Kết quả 2,76 tỷ USD đạt được trong quý 3, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sau 9 tháng năm 2024 lên con số 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng bứt phá, đặc biệt là mặt hàng tôm và cá tra..

Các sản phẩm cá tra chế biến có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng năm 2024. Ảnh minh họa.
Các sản phẩm cá tra chế biến có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng năm 2024. Ảnh minh họa.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong tháng 9/2024, xuất khẩu thuỷ sản đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát,... diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm.

XUẤT KHẨU CÁ TRA TĂNG TRƯỞNG Ở NHIỀU THỊ TRƯỜNG

Trong quý 3/2024, xuất khẩu cá tra đạt 544 triệu USD, tăng gần 14% so với quý 3/2023. Luỹ kế 9 tháng 2024, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái…

Về thị trường xuất khẩu cá tra, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, VASEP cho biết tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2024, hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, Hoa Kỳ đạt 240 triệu USD, tăng 23%; Brazil đạt 81 triệu USD, tăng 26%; Thái Lan đạt 43 triệu USD, tăng 9%. 

 

"Điểm nổi bật trong xuất khẩu cá tra 9 tháng năm 2024 là nhóm cá tra chế biến, tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng về kim ngạch tăng đột phá 42%; tiếp đến là cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%, cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%".

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam.

Đáng chú ý, tính đến ngày 15/9/2024, Mexico tiếp tục dẫn đầu khối thị trường CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam với 55 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là Canada với 28 triệu USD, tăng 13%.

Như vậy, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru (trong đó Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam). 

Ngoài ra, những tuần đầu tháng 9/2024, việc giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng, cho thấy giá có dấu hiệu ấm dần lên. Tuần 37, giá cá tra nguyên liệu là 26.400 đồng/kg, giảm so với mức 28.900 đồng/kg của tuần 33, nhưng vẫn tương đối cao so với các thời điểm khác trong 8 tháng đầu năm 2024.

Tính đến tuần thứ 37, giá cá cỡ 800gr - 1000gr là 27.100 đồng/kg; 1000gr - 1200gr là 27.460 đồng/kg, trước đó, lần gần nhất loại này có giá cao như vậy là vào tuần thứ 10, điều này cho thấy thị trường đang khan hiếm nguồn cung cá cỡ lớn hơn; và cá cỡ trên 1200gr là 27.565 đồng/kg, gần bằng mức giá của tuần 30 và 31.

Theo bà Lê Hằng, chuyên gia của VASEP, với những kỳ vọng về giá xuất khẩu tiếp tục ấm lên, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý 4/2024 vẫn sẽ đạt kết quả khả quan, khi thời điểm này các thị trường đang dần chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm 2024.

Trong đó, đáng chú ý các sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng sẽ tiếp tục bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ ở các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, việc chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp không lãng phí tiềm năng, mà còn có cơ hội mở rộng thị phần cho các sản phẩm này.

NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

VASEP cho hay trong 9 tháng năm 2024, tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất cho ngành thuỷ sản, với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ.

Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường. Do vậy, tính đến cuối tháng 9/2024, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5%. Lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD,  tôm sú đạt 334 triệu USD.

Đối với mặt hàng cá ngừ, trong tháng 9/2024, xuất khẩu giảm gần 6% so với cùng kỳ, khiến cho xuất khẩu trong quý 3/2024 chỉ cao hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắt đầu từ tháng 8/2024, xuất khẩu cá ngừ chững lại và đang có chiều hướng tụt dốc trong những tháng cuối năm, do quy định đánh bắt cá ngừ kích thước tối thiểu 0,5m khiến cho ngư dân không khai thác được, doanh nghiệp không có nguyên liệu để chế biến.

Tính chung 9 tháng năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đạt 715 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ loin/phile đông lạnh chiếm 48% với 346 triệu USD, tăng 9,6%; cá ngừ đóng hộp chiếm 30% đạt 214 triệu USD, tăng 16,6%. Phần lớn tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ đều là kết quả của nửa đầu năm.

Với mặt hàng mực, bạch tuộc, phân khúc sản phẩm chế biến cũng có tín hiệu xuất khẩu tốt hơn so với hàng đông lạnh. Theo đó, xuất khẩu mực chế biến trong quý 3/2024 tăng 22% và trong 9 tháng tăng 13%. Tuy nhiên, tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc trong 3 quý đầu năm đạt 464 triệu USD, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cua ghẹ từ đầu năm tới nay luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Riêng trong quý 3/2024, xuất khẩu sản phẩm này đạt 227 triệu USD, tăng 56% và 9 tháng tăng 66%, chủ yếu nhờ xuất khẩu sản phẩm cua sống sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.

Xuất khẩu các loài cá khác (chủ yếu là cá biển) đã có tăng trưởng nhẹ trong quý 3 (tăng 1,5%) đạt trên 181 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu 9 tháng năm 2024 đạt 1,34 tỷ USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm phile vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 479 triệu USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu chả cá surimi tiếp tục giảm 3% trong quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ đạt 203 triệu USD.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian tới, bà Lê Hằng cho biết đang có tín hiệu tích cực. Dự báo, năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt gần 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, cá ngừ xấp xỉ 1 tỷ USD, mực, bạch tuộc khoảng 640 triệu USD, còn lại là các mặt hàng cá biển và hải sản khác.

"Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu ở các thị trường đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm và năm 2025", bà Hằng nhận định.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con