Xuất nhập khẩu đạt trên 557 tỷ USD, khu vực FDI tiếp tục giữ vai trò “nhạc trưởng”
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng năm 2022 đạt 557,93 tỷ USD, trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 387,77 tỷ USD…
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 9/2022 (từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2022) đạt 31,76 tỷ USD, tăng 20,6% (tương ứng tăng 5,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2022.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 9 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 đạt 557,93 tỷ USD, tăng 15% (tương ứng tăng 72,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 387,77 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng gần 51,3 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 170,16 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 21,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ 2 tháng 9/2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,44 tỷ USD. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 6,76 tỷ USD.
Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 9/2022 đạt 17,1 tỷ USD, tăng 34,2% (tương ứng tăng 4,35 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 9/2022.
Một số nhóm hàng có biến động tăng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,36 tỷ USD (tương ứng tăng 71,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 587 triệu USD (tương ứng tăng 33%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 381 triệu USD (tương ứng tăng 16,5%); hàng dệt may tăng 311 triệu USD, (tương ứng tăng 25,7%).
Như vậy, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 41,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 9/2022 đạt 13,14 tỷ USD, tăng 37% (tương ứng tăng 3,55 tỷ USD) so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 của nhóm các doanh nghiệp này lên 208,12 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 31,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 9/2022 đạt 14,66 tỷ USD, tăng 7,9% (tương ứng tăng 1,07 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2022.
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện tăng 243 triệu USD (tương ứng tăng 29%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 169 triệu USD (tương ứng tăng 5,2%); xăng dầu các loại tăng 168 triệu USD (tương ứng tăng 74,7%)…
Như vậy, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 275,58 tỷ USD, tăng 12,8% (tương ứng tăng 31,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,69 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 729 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 9/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 179,64 tỷ USD, tăng 12,5% (tương ứng tăng 19,96 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Nhận định về kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/10/2022, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo cho năm 2023 sẽ phải đối diện với một số khó khăn, thách thức.
Cụ thể như việc đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, khiến cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU dự báo sẽ gặp những thách thức và có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Hơn nữa việc lạm phát tăng cao ở các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng khiến nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng giảm. trong khi đó, công nghiệp tiêu dùng lại là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ…, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu và xu hướng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng này trong thời gian tới.
“Trung Quốc vừa là thị trường cung ứng nguyên liệu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Do đó, việc nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và ảnh hưởng đến nguồn cung cho vùng nguyên liệu của Việt Nam cũng như nguồn cung cho hàng hóa toàn cầu”, bà Trang nêu thực tế.
Tuy nhiên, bà Trang cho rằng với việc tham gia và khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương cũng như kinh nghiệm trong việc chủ động ứng phó, đa dạng hóa thị trường, nguồn hàng thì xuất khẩu Việt Nam có thể sẽ hạn chế được những rủi ro nhất định. Đặc biệt, những kết quả tích cực của 9 tháng qua sẽ là tiền đề và cơ sở để hoạt động xuất nhập khẩu cả năm 2022 có thể cán đích và phấn đấu vượt mức chỉ tiêu đề ra.