Ý nghĩa lớn của cuộc gặp Mỹ - Trung với kinh tế toàn cầu

An Huy
Chia sẻ

Cuối tuần này, các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sỹ để tìm phương án nhằm xuống thang cuộc chiến thương mại căng thẳng và gây nhiều tổn thất giữa hai nước...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Hãng tin CNN nhận định cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của giới chức hai nước kể từ khi những “pha ăn miếng trả miếng” thuế quan bắt đầu vào tháng 3 năm nay, không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Hầu như không có nhà quan sát nào kỳ vọng cuộc gặp sẽ mang tới một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng bất kỳ dấu hiệu căng thẳng dịu đi nào mà cuộc gặp mang lại cũng sẽ là một kết quả được doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu hoan nghênh.

“Mục tiêu chính của cuộc gặp này là thiết lập điều kiện để đi đến một thỏa thuận, bao gồm xác định những nội dung khả thi để hai bên thương lượng, và những gì là không thể thương lượng. Có thể sẽ có một vài thắng lợi nhanh, chẳng hạn tạm dừng áp thuế quan. Điều đó sẽ mang lại một sự giải tỏa hết sức cần thiết cho doanh nghiệp cả hai nước”, ông Alfredo Montufar Helu, trưởng Trung tâm Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu Conference Board nhận định với CNN.

Trong nhiệm kỳ này, ông Trump đã áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế quan 125% lên hàng hóa Mỹ. Những lô hàng cuối cùng không bị áp thuế quan - trên những chuyến tàu đã rời bến trước khi thuế quan được công bố - hầu hết dã cập cảng, và những lô hàng đầu tiên bị áp thuế quan cũng đang đến đích.

Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ sẽ sớm phải đối mặt với một quyết định khó khăn: trả mức thuế quan cao hơn gấp đôi giá hàng hóa nhập khẩu hoặc ngừng bán hoàn toàn hàng hóa nhập khẩu từ nước kia. Như vậy, người tiêu dùng hai nước chỉ còn vài tuần nữa là phải trả mức giá cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu từ nước kia và đối mặt với sự khan hiếm một số mặt hàng.

Thuế quan cao đã gây ra tổn thất cho cả hai nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm trong quý 1 năm nay, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 3 năm. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng vào tháng 4 vừa qua và Bắc Kinh tuần này đã công bố một loạt biện pháp kích thích mới bằng chính sách tiền tệ.

Cuộc đối đầu thuế quan Mỹ - Trung là khốc liệt hơn cả, nhưng ông Trump còn áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với thuế suất dao động từ 10-25%, cùng thuế quan 25% áp lên ô tô, linh kiện ô tô, nhôm, thép từ tất cả các quốc gia cùng nhiều hàng hóa từ Mexico và Canada. Bởi vậy, đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ là một câu chuyện được cả thế giới đặc biệt quan tâm.

Các tổ chức dự báo lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cho rằng cuộc chiến thuế quan sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với kinh tế toàn cầu, gồm kéo tụt tăng trưởng và gia tăng áp lực lạm phát. Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ là hai trong số những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều nhà kinh tế đã dự báo kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong năm nay.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Scott Bessent và Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Geneva dự cuộc gặp vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật tuần này. Bên phía Trung Quốc, phái đoàn sẽ được dẫn đầu bởi Phó thủ tướng Hà Lập Phong - nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Bắc Kinh.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox News vào hôm thứ Ba tuần này, ông Bessent nói cuộc gặp này là bước đi đầu tiên và phát tín hiệu không kỳ vọng sẽ đạt một thỏa thuận. “Tôi có cảm giác là cuộc gặp này sẽ là một bước xuống thang, không phải là một thỏa thuận lớn… Nhưng chúng ta cần xuống thang trước khi có bước đi tiếp theo”, ông nói.

Mấy tuần gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều phát tín hiệu rằng cuộc đối đầu thuế quan này là không bền vững. Ông Bessent và ông Trump đều thừa nhận rằng thuế quan đang quá cao. Trung Quốc khẳng định sẵn sàng đối thoại, nhưng giữ quan điểm đàm phán phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lần nhau và đôi bên cùng có lợi.

Trong khi đó, đã có những dấu hiệu rõ rệt về thiệt hại mà thuế quan gây ra cho thương mại. Số tàu chở hàng xuất phát từ Trung Quốc để tới Mỹ trong tháng 4 giảm 60% - theo dữ liệu từ công ty Flexport. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ có thể giảm tới 80% trong năm nay.

Cảng Los Angeles dự kiến đón 80 chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc cập cảng trong tháng 5, nhưng 20% trong số này đã bị hủy - theo tiết lộ của ông Gene Seroka, CEO của cảng, với CNN. 13 chuyến tàu dự kiến đến vào tháng 6 cũng đã bị hủy. “Tuần này, số hàng hóa vào cảng chúng tôi giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Seroka nói.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con