11:28 29/10/2019

Thí điểm chủ tịch quận có thể bổ nhiệm, cách chức chủ tịch phường

Nguyễn Lê

Chính phủ trình Quốc hội cho Hà Nội thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân phường nhiệm kỳ 2021 - 2026

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình - Ảnh: Quang Phúc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình - Ảnh: Quang Phúc

Chủ tịch UBND quận, thị xã có quyền hạn bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phường.

Đó là một trong 3 nhiệm vụ, quyền hạn dự kiến được bổ sung cho chủ tịch UBND quận, thị xã khi Hà Nội thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân phường nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trình Quốc hội nội dung này sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện thí điểm nhằm đảm bảo bộ máy chính quyền khu vực đô thị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao tính minh bạch, năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố Hà Nội.

Việc thí điểm cũng nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết tốt các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Khi thực hiện thí điểm thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội đã có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Đối với chính quyền ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị 2 cấp: tại thành phố Hà Nội và các quận, thị xã thì tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân và UBND. Tại phường thì tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức hội đồng nhân dân mà chỉ có cơ quan hành chính ở phường là UBND) để thực hiện một số công việc quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công. 

Đối với chính quyền ở nông thôn (huyện, xã) thì giữ nguyên mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân và UBND tại huyện, xã, đối với thị trấn, tuy là đô thị nhưng là đơn vị hành chính thuộc huyện nên vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân và UBND.

Khi thực hiện thí điểm, chủ tịch UBND quận, thị xã được bổ sung 3 nhiệm vụ, quyền hạn: bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phường;  tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức phường; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND phường.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức hội đồng  nhân dân phường tại thành phố Hà Nội.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội tại tất cả 177 phường là do việc này khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân và UBND). Trên cơ sở tổng kết việc thí điểm, nếu thấy phù hợp, hiệu quả thì có thể được nhân rộng, áp dụng ở các tỉnh, thành phố khác; khi điều kiện cho phép và việc thí điểm đã chín muồi thì tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương để áp dụng chung.

Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, đây là nội dung rất nhạy cảm, hệ trọng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan có sự chủ động trong công tác tuyên truyền, định hướng, nắm bắt dư luận để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lôi kéo, kích động, xuyên tạc việc thí điểm, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.