11:32 03/12/2008

Chuẩn bị khởi động chiến dịch “dùng hàng Việt Nam”

Bộ Công Thương đã đề xuất phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chiến dịch “dùng hàng Việt Nam”

Bộ Công Thương dự tính phối hợp với các nhà phân phối lớn tổ chức tuần lễ hoặc ngày tiêu dùng hàng Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Bộ Công Thương dự tính phối hợp với các nhà phân phối lớn tổ chức tuần lễ hoặc ngày tiêu dùng hàng Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Hôm qua (2/12), tại cuộc họp báo thông báo nội dung phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, bộ này đã đề xuất phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chiến dịch “dùng hàng Việt Nam”.

Trong chiến dịch này, Bộ Công Thương dự tính phối hợp với các nhà phân phối lớn tổ chức tuần lễ hoặc ngày tiêu dùng hàng Việt Nam. Các hoạt động này nằm trong một kế hoạch tổ chức lại thị trường nội địa với một số chính sách, biện pháp kích cầu nội tiêu, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng trong nước và giảm nhập siêu.

Bộ Công Thương cho biết, bộ sẽ yêu cầu các trung tâm bán lẻ và siêu thị tăng cường tỷ trọng hàng sản xuất trong nước, có chính sách ưu đãi đối với các đơn hàng thanh toán có tỷ trọng hàng nội địa ở mức cao, thoả thuận với các nhà cung cấp để hài hoà chuỗi giá trị, thống nhất mức giá hợp lý để góp phần kích thích tiêu dùng.

Bộ Công Thương kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với các nhà sản xuất trong nước sử dụng các phiếu mua hàng, thẻ giảm giá trong dịp tết thay cho việc thưởng tiền mặt vào cuối năm.

Bộ này còn đưa ra đề nghị các địa phương sử dụng vốn ngân sách nhàn rỗi cho các doanh nghiệp vay ưu đãi để mua hàng dự trữ tết nhưng chỉ sử dụng nguồn vốn này để mua hàng sản xuất trong nước phục vụ tết.

Kế hoạch trên của Bộ Công Thương được xây dựng xuất phát từ thực tế là nhiều loại hàng hoá trong nước đang tồn đọng lớn, xuất khẩu liên tục giảm sút (tháng 11, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,8 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10) trong khi sức mua tại thị trường nội địa lại đang giảm rất mạnh so với năm 2007.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê được công bố tại cuộc họp báo, 11 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 872.000 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2007; nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì mức tăng chỉ là 6,2%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất về tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ trong năm năm trở lại đây.

Đáng chú ý hơn nữa là tỷ lệ tăng tổng mức tiêu thụ hàng hoá từ tháng 9 đến nay có xu hướng giảm dần (tháng 9 so với tháng 8 tăng 3,6%, tháng 10 so với tháng 9 tăng 3%, tháng 11 so với tháng 10 còn 1,7%)… trái ngược so với xu hướng tăng mạnh vào cuối năm ở các năm trước đây.

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ diễn ra trong hai ngày qua, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian để bàn về các giải pháp kích cầu đầu tư, kích cầu sản xuất, tiêu dùng.

Ngoài năm nhóm biện pháp kích cầu đã được Chính phủ nhất trí tại phiên họp cuối tuần trước, đã có thêm một số biện pháp cụ thể bổ sung cho các nhóm giải pháp này. Bổ sung cho các giải pháp kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước mà Bộ Công Thương đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, từ nay đến đầu tháng 1/2009, cần giảm lãi suất cơ bản xuống dưới 10% để tiếp tục hạ thấp lãi suất cho vay; áp dụng cơ chế lãi suất cho vay thoả thuận với dự án có hiệu quả rõ ràng.

Bộ này cũng đề nghị nâng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức nhà nước và khu vực doanh nghiệp; hỗ trợ thu nhập cho người nghỉ hưu và các đối tượng chính sách, cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, lụt bão….

Về các giải pháp kích cầu đầu tư, thay cho chính sách siết chặt, cắt giảm đầu tư công đã áp dụng từ đầu năm đến nay, Chính phủ xác định tăng cường đầu tư, giải ngân cho các công trình xây dựng. Chính phủ yêu cầu tiếp tục giải ngân trái phiếu chính phủ sang năm 2009; cho ứng 1.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để nạo vét lại kênh mương, khắc phục hậu quả bão lụt.

Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành thêm trái phiếu chính phủ, tiếp tục giải ngân nhanh số vốn huy động từ trái phiếu chính phủ còn lại của năm 2008 (8.500 tỷ đồng), đẩy mạnh giải ngân vốn vay ODA…

Thủ tướng đã yêu cầu cải cách mạnh hơn các thủ tục hành chính như việc sắp tới, cho phép ở các vùng sâu, vùng xa được áp dụng hình thức chỉ định thầu các công trình xây dựng có vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng…

Thủ tướng yêu cầu, với các loại vật tư, nguyên liệu nếu có ứ đọng trên thị trường như thép, xi măng thì các bộ nghiên cứu, thu mua, điều chuyển để xây dựng đường giao thông, các công trình ở nông thôn; xây dựng các công trình chung cư, nhà ở cho người nghèo, công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho đối tượng chính sách, trường học…

Mạnh Quân (SGTT)