17:56 26/08/2014

Đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt-Nhật

Nguyên Anh

Cầu Nhật Tân là một trong nhiều công trình quan trọng có sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản

Dự kiến cầu Nhật Tân sẽ được khánh thành vào tháng 1/2015 với một tên gọi mới.<br>
Dự kiến cầu Nhật Tân sẽ được khánh thành vào tháng 1/2015 với một tên gọi mới.<br>
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam vừa đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt – Nhật.

Theo lý giải của Đại sứ Nhật Hiroshi Fukada, lý do ông đưa ra đề xuất này bởi cầu Nhật Tân là biểu tượng của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Do đó, việc lấy tên mới sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hữu nghị của hai nước.

Tại buổi làm việc với Đại sứ Nhật ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thống nhất với ý kiến nói trên và chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư chuẩn bị các thủ tục cần thiết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất này để Thủ tướng xem xét quyết định.

Cũng tại buổi làm việc, Đại sứ Hiroshi Fukada đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải  lùi thời gian khánh thành cây cầu trên và dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài đến tháng 1/2015 thay vì tháng 10/2014 như kế hoạch. Mục đích của đề nghị này là để Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản - Akihiro Ota, có thể tham dự sự kiện này.

Sau khi trao đổi ý kiến, Bộ trưởng Đinh La Thăng và Đại sứ Nhật Bản đã đi đến thống nhất sẽ tiến hành tổ chức lễ thông xe cầu Nhật Tân cùng thời điểm khánh thành dự án đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài và dự án nhà ga hành khách T2 - Nội Bài trong tháng 1/2015.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, cả 3 dự án nói trên đều sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, vì thế việc khánh thành các dự án vào một thời điểm cùng sự tham dự của đại diện Chính phủ Nhật Bản sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.

Cầu Nhật Tân được xây dựng bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội bắt đầu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến điểm cuối giao với quốc lộ 3 tại km 7+100, xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh. Cầu được kết cấu kiểu dây văng liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực với 5 trụ tháp, thi công bằng phương án đúng hẫng cân bằng.

Mặt cầu rộng 33,2m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải xe hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu dài 3,9 km và có đường dẫn 4,5 km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 1,5km, với tổng kinh phí lên tới 8.000 tỷ đồng.