23:15 15/09/2021

Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 với khoảng 14 triệu dân

Mộc Minh

Dự báo đến năm 2040, dân số toàn TP.HCM khoảng 13-14 triệu người. Quy mô đất đai phát triển đô thị khoảng 100.000 - 110.000ha…

Toà tháp The Landmark 81 có chiều cao hơn 461m - biểu tượng mới của TPHCM.
Toà tháp The Landmark 81 có chiều cao hơn 461m - biểu tượng mới của TPHCM.

TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

TIẾP TỤC PHÁT HUY VAI TRÒ "ĐẦU TÀU"

Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP.HCM với diện tích 2.095km2 và khu vực biển Cần Giờ.

Ranh giới cụ thể như sau: phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Nam giáp biển Đông.

Phạm vi nghiên cứu: bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, với diện tích khoảng 30.404 km2.

 
Mục tiêu định hướng phát triển TP.HCM trở thành trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Việc điều chỉnh quy hoạch cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, đầu tư xây dựng các khu vực trong đô thị và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật khung của đô thị theo quy hoạch.

Quan điểm quy hoạch vẫn là phát huy vai trò đầu tàu của TP.HCM trong mối quan hệ với vùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế.

Do đó, việc đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển kinh tế biển gắn với mục tiêu hình thành chuỗi đô thị biển của vùng, kết hợp bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế của thành phố và của vùng thành phố.

Dự báo đến năm 2040, dân số toàn TP.HCM khoảng 13-14 triệu người. Quy mô đất đai phát triển đô thị khoảng 100.000 - 110.000ha.

TP.HCM TRỞ THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ TRI THỨC

Đối với điều chỉnh quy hoạch chung, yêu cầu trọng tâm là phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, có phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian - đất đai.

Lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên...), cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội thành phố.

Điểm mới là cần phân tích mối quan hệ không gian giữa TP.HCM với TP. Thủ Đức, với các đô thị thuộc vùng TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển trong vùng và đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia.

Bản điều chỉnh quy hoạch chung sẽ xây dựng tầm nhìn mới theo ý tưởng TP.HCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam.

Đặc biệt, TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, phát triển TP. Thủ Đức theo mô hình khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, là một trong các động lực tăng trưởng của TP.HCM và khu vực.

Quy hoạch không gian đô thị TP.HCM phải phù hợp với chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển của thành phố và vùng thành phố, thích ứng biến đổi khí hậu; tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), giao thông khác cao độ, kể cả giao thông ngầm công cộng và không gian đô thị ngầm xung quanh…

Hình thành các hạt nhân của các trung tâm chính và trung tâm phụ: trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, trung tâm y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị…

Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch chung cũng cần nghiên cứu vấn đề tiếp tục di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển và sử dụng quỹ đất hiệu quả.

Tổ chức không gian sản xuất theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường quỹ đất cây xanh công cộng, cải thiện môi trường trong các khu vực hiện hữu.

Về giao thông, cần xác định mạng lưới giao thông chính cấp đô thị, tuyến và ga đường sắt đô thị (trên cao, mặt đất và ngầm); tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe (trên cao, mặt đất và ngầm) theo từng giai đoạn; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính đô thị và hệ thống hào, tuy-nen kỹ thuật.

 
Tổ chức kết nối hệ thống giao thông ngầm với quy hoạch không gian ngầm của thành phố.

Để trở thành đô thị thông minh, TP.HCM cũng phải phát triển hạ tầng số hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế số, thực hiện mục tiêu đột phá quản lý thành phố và xây dựng chính quyền số.

Chính phủ giao UBND TP.HCM bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí và phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo quy định pháp luật.

Thời gian lập đồ án là 15 tháng theo quy định.